Người dân Thủ đô mong muốn có lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm

Với kế hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội rất cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố đáng sống, bền vững, thông minh.
Người dân Thủ đô mong muốn có lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm ảnh 1Quang cảnh kỳ họp thứ bảy, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 6/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, xã hội trên địa bàn; giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố có nhiều tín hiệu đáng mừng, lạc quan khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tăng trưởng khá; các chỉ tiêu cân đối lớn đều đảm bảo.

Đặc biệt, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội thông qua Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây được kỳ vọng sẽ là hai động lực lớn để tạo điều kiện phát triển Thủ đô.

Một số đại biểu nêu ý kiến, đối với vấn đề giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, việc giải ngân còn thấp, vì vậy cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành. Về triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, các đại biểu đề nghị cần làm rõ kết quả đấu giá so với kế hoạch về cả số lượng và số tiền thu để đánh giá mức độ thực hiện; làm rõ vì sao có quận, huyện đấu giá đất đạt kết quả đạt cao trong khi có nơi kết quả thấp, thậm chí là 0%.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng xây dựng Thủ đô kế hoạch 2030, tầm nhìn 2050 có rất nhiều mục tiêu lớn. Đây là một trong những định hướng quan trọng của thành phố rất cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm với thành phố để xây dựng Hà Nội thành thành phố đáng sống, bền vững, thông minh. Đó là yêu cầu, mong muốn của người dân và là di sản để lại cho thế hệ sau.

[HĐND thành phố Hà Nội thông qua 17 nghị quyết phát triển Thủ đô]

Đại biểu Phạm Quang Thanh, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn, đánh giá 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân thấp và phần lớn do nguyên nhân chủ quan như: quy trình, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, dịch bệnh… Thành phố cần có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết về công tác giải phóng mặt bằng, khâu xác định nguồn gốc đất rất khó khăn, phức tạp khiến cán bộ cơ sở chưa tự tin, việc trao đổi qua lại mất nhiều thời gian nên giải ngân đầu tư công chậm trễ.

Nêu vấn đề công tác đấu giá đất để thu ngân sách địa phương còn chậm, đại biểu Trịnh Xuân Quang thông tin, thành phố đã xác định tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách pháp luật, những nút thắt cần phải tháo gỡ trong xác định giá đất khởi điểm, song nhiều đơn vị tư vấn e ngại. Nguyên nhân là từ những vướng mắc về chính sách pháp luật, phương pháp xác định giá.

Đại biểu Trịnh Xuân Quang cũng cho rằng việc thành phố có kiến nghị Trung ương sửa đổi các chính sách đất đai là đề xuất trúng và đúng. Đại biểu mong muốn trong quý 3/2022, thành phố tập trung hiện thực hóa đề xuất này để đảm bảo hiệu quả thu ngân sách.

Trước đó, ngày 5/7, tại phiên khai mạc của kỳ họp, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết, căn cứ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và nhu cầu sử dụng đất của các đơn vị, Sở đã hướng dẫn xác định ranh giới thu hồi đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 72 dự án đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 65ha; trình ủy ban nhân dân thành phố ban hành 33 quyết định giao đất với tổng diện tích khoảng 24,06ha cho ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã để bổ sung quỹ đất đủ điều kiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022.

Đến nay, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với tổng diện tích khoảng 5,87ha (là diện tích đất ở, không bao gồm đất xây dựng hạ tầng), số tiền trúng đấu giá khoảng 1.955,95 tỷ đồng; đã thu được khoảng 3.106 tỷ đồng (đạt khoảng 25% chi tiêu thu ngân sách 2022 từ đấu giá quyền sử dụng đất), trong đó số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 11 hồ sơ xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; trong đó 3 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định, 1 hồ sơ đã trình Hội đồng thẩm định và đang thực hiện rà soát căn cứ pháp lý theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, 2 hồ sơ đơn vị tư vấn đã phát hành chứng thư. Sở Tài nguyên và Môi trường đang yêu cầu rà soát nội dung theo quy định và 5 hồ sơ đã ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn xác định giá.

Cũng tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Đến ngày 30/6/2022, toàn thành phố giải ngân được 10.777 tỷ đồng, đạt 21,1% kế hoạch.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện, có những dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án. Một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân. Vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông…

Theo báo cáo của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực, thành phố đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, quyết liệt triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để từng bước phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GRDP đạt 7,79%; thu ngân sách ước đạt 56,8%.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị có những chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công. Đặc biệt, thành phố đã phối hợp với bộ, ngành liên quan tổ chức rất thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31 để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục