Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương hết mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Cuộc đời 29 năm của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy ngắn ngủi nhưng trọn vẹn ý nghĩa với sự cống hiến hết mình cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, là một tấm gương sáng về nhân cách cộng sản mẫu mực.
Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương hết mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam ảnh 1Phòng lưu niệm tại số nhà 152 phố Bạch Mai, Hà Nội - nơi đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các chiến sỹ cộng sản họp bàn thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, tháng 3/1929. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Năm 2022, nhân dân cả nước và Thủ đô Hà Nội cùng kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902-1/2/2022) - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thủy chung, người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội.

Cuộc đời 29 năm của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy ngắn ngủi nhưng trọn vẹn ý nghĩa với sự cống hiến hết mình cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, để lại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta một tấm gương sáng về nhân cách cộng sản mẫu mực, người anh hùng đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Một trong những chiến sỹ cộng sản đầu tiên

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1/2/1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Bạch Mai, ngoại thành Hà Nội (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện là một trí thức giàu nhiệt huyết, nhạy bén với thời cuộc, sớm giác ngộ cách mạng, tham gia và hoạt động tích cực trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một trong những chiến chiến sỹ cộng sản đầu tiên, góp phần tích cực vào sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Hồng Chương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), mặc dù học tập trong môi trường giáo dục của chế độ thực dân và trở thành một viên chức cao cấp của nhà nước bảo hộ, nhưng với tinh thần yêu nước, Nguyễn Phong Sắc đã nhanh chóng tiếp cận tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc để từng bước tham gia và góp phần quan trọng đưa công cuộc giải phóng dân tộc ở nước ta vận động theo con đường cách mạng vô sản mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Đến cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc đã trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tích cực tham gia vào việc phát triển Hội tại Hà Nội.

Tháng 6/1927, đồng chí trở thành một trong ba thành viên lãnh đạo của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Hà Nội. Tháng 9/1928, Nguyễn Phong Sắc được tín nhiệm là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền của Kỳ bộ. Đầu năm 1929, đồng chí là Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội.

Trong những năm tháng sôi nổi này, cùng với hoạt động truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào yêu nước và công nhân Việt Nam, đồng thời, thông qua phong trào vô sản hóa, Nguyễn Phong Sắc đã góp phần to lớn thúc đẩy quá trình chuyển hóa mạnh mẽ phong trào yêu nước ở Việt Nam theo con đường cách mạng mới của Nguyễn Ái Quốc và đẩy nhanh tiến trình chuyển biến của giai cấp công nhân nước ta từ “tự phát” sang “tự giác” với sự hình thành của những tổ chức cộng sản ở nước ta.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Hồng Chương cho rằng, sự ra đời của Chi bộ cộng sản đầu tiên của cả nước ở Hà Nội tại số nhà 5D phố Hàm Long ngày 7/3/1929 đánh dấu quá trình này; trong đó Nguyễn Phong Sắc là một trong những thành viên sáng lập và trở thành một trong những người cộng sản đầu tiên của Hà Nội.

Với tài năng tổ chức và phong cách làm việc sâu sát, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ đã được thành lập do đồng chí làm Bí thư và chỉ đạo, trực tiếp xây dựng các cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Mùa Xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã chủ trì thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, do đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành lâm thời; từ đó, đồng chí tích cực tham gia xây dựng và phát triển tổ chức đảng.

[Hội thảo về Nguyễn Phong Sắc - người cộng sản kiên trung của cách mạng]

Trong một lần hoạt động cách mạng, trên đường trở về Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội. Chúng dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng không lung lạc tinh thần kiên trung của đồng chí.

Biết rõ không thể khuất phục được, thực dân Pháp quyết định thủ tiêu đồng chí không cần xét xử. Đêm 25/3/1931, chúng bí mật bắn đồng chí và 22 chiến sỹ khác tại đồn Song Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Anh dũng hy sinh cho Đảng và dân tộc khi còn rất trẻ, mới 29 tuổi và hoạt động cách mạng chỉ mới 6 năm (1926-1931) nhưng đặt trong điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn, phức tạp thời dựng Đảng, với những cống hiến trên, Nguyễn Phong Sắc thực sự là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong đã góp phần quan trọng thúc đẩy đưa cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới về chất theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra-con đường đưa tới mọi thắng lợi trong một thế kỷ qua của dân tộc ta.

Nguyễn Phong Sắc - Tấm gương hết mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam ảnh 2Không gian phòng trưng bày tại di tích nhà 5D Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - nơi đồng chí Nguyễn Phong Sắc tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên, tháng 3/1929. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một tấm gương tiêu biểu của người chiến sỹ, nhà lãnh đạo cộng sản kiên trung của Đảng, với Tổ quốc và sự nghiệp giải phóng dân tộc và con người Việt Nam.

Người dám nhìn thẳng vào sự thật

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết nói đến Xô viết Nghệ-Tĩnh là nói đến vai trò lãnh đạo của Phân cục Trung ương Trung Kỳ mà người đứng đầu là Nguyễn Phong Sắc.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Phong Sắc, sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, thực dân Pháp tìm cách đàn áp khủng bố tổ chức Đảng và phong trào cách mạng. Nhiệm vụ chống “khủng bố trắng” của kẻ địch đã đặt lên vai bộ tham mưu lãnh đạo của Chấp ủy Trung Kỳ mà người đứng đầu là Nguyễn Phong Sắc.

Ý thức được trọng trách, trong Hội nghị cán bộ mở rộng Phân cục Trung ương Trung Kỳ (tháng 12/1933), Nguyễn Phong Sắc khẳng định chủ trương tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh, kêu gọi các đảng bộ, các đoàn thể công-nông phải huy động quần chúng ra tranh đấu cho hăng hái để làm cho phong trào cách mạng thêm sâu rộng.

Trong công tác tư tưởng, tổ chức, Xứ ủy Trung Kỳ ra “Chỉ thị thanh Đảng” (tháng 4/1931) với mục đích làm trong sạch Đảng. Theo đó, phải đưa ra khỏi các tổ chức đảng ở Trung Kỳ những người xuất thân trí thức, giàu có, con em quan lại của chế độ thực dân, phong kiến; phương châm là “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.”

Tình hình cách mạng ở Nghệ An ngày càng khó khăn do sự phá hoại của kẻ địch. Trước tình hình đó, cuối tháng 4/1931, Nguyễn Phong Sắc lại triệu tập Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung Kỳ để đánh giá, xem xét mọi mặt, trong đó nhấn mạnh chủ trương thanh Đảng mang nặng tư tưởng ấu trĩ “tả” khuynh.

Chính thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật này là một nét tiêu biểu cho nhân cách cộng sản mẫu mực Nguyễn Phong Sắc.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Đình Phong khẳng định, tấm gương Nguyễn Phong Sắc để lại cho hôm nay những bài học hết sức quý giá, bổ ích trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hình ảnh những người cộng sản mẫu mực như Nguyễn Phong Sắc hơn 90 năm trước đã được tái hiện trong công cuộc đổi mới khi văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.”

Những cán bộ, đảng viên như đồng chí Nguyễn Phong Sắc là nguồn cảm hứng vô tận cho công cuộc đổi mới hôm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục