Nhà đầu tư ngoại vẫn chần chừ “mua” cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa thể bán quyền khai thác cho nhà đầu tư ngoại vì những cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án này chưa được thực hiện.
Nhà đầu tư ngoại vẫn chần chừ “mua” cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ảnh 1Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa 120km/giờ nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng vẫn chưa thể bán quyền khai thác cho nhà đầu tư ngoại vì những cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án này chưa được thực hiện và cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), ngày 07/12/2015, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được chính thức thông xe, đưa vào vận hành khai thác toàn tuyến. Hiện nay, VIDIFI đang khẩn trương triển khai công tác nghiệm thu, hoàn công quyết toán; chuẩn bị nội dung điều chỉnh hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) để làm cơ sở chuẩn bị cho các bước tiếp theo của việc chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. VIDIFI cũng đã chủ động báo cáo với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải để triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ cần thiết cho dự án.

Theo đó, Nhà nước tham gia, hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư dự án với cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đó là các khoản vay chuyển đổi hỗ trợ trực tiếp (200 triệu USD của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và 100 triệu USD của Ngân hàng tái thiết Đức); khoảng 4.000 tỷ đồng hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ theo quy định; Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và VIDIFI chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án, trong đó bao gồm việc cân đối tài chính trong 5 năm đầu vận hành tuyến đường.

“Mặc dù vậy, do một số nguyên nhân, đến nay các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như đã cam kết dành cho dự án chưa được thực hiện, chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ, chưa có quyết định chính thức về các khoản chuyển đổi hỗ trợ trực tiếp. VDB cũng chưa có ý kiến chính thức về việc nhóm các nhà đầu tư hỗ trợ vay vốn cho dự án,” lãnh đạo VIDIFI cho hay.

Trong thời gian vừa qua, bên cạnh nhóm nhà đầu tư Ấn Độ, cũng có nhà đầu tư khác quan tâm tới vấn đề chuyển nhượng một phần dự án. Tuy nhiên, theo đánh giá của phía VIDIFI, các nhà đầu tư hiện nay đều băn khoăn, chưa đi vào đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì họ cho rằng cam kết hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Do đó, VIDIFI đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến gửi các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư sớm có quyết định thực hiện các khoản hỗ trợ theo Quyết định 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 để việc đàm phán chuyển nhượng được thuận lợi.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký Hợp đồng nguyên tắc giữa VIDIFI và nhóm các nhà đầu tư.

Theo đó, VIDIFI và nhóm các nhà đầu tư thỏa thuận cùng thành lập một pháp nhân mới (theo hình thức Công ty cổ phần) tại Việt Nam để tiếp nhận lại Hợp đồng BOT và dự án. Trước mắt, VIDIFI góp 51% bằng số vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào dự án, nhóm các nhà đầu tư góp 49% bằng tiền mặt, tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư trong vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên 70% trong giai đoạn ký kết chính thức.

Nhóm các nhà đầu tư đã đặt cọc 2 triệu USD để đảm bảo việc hợp tác sau khi ký kết hợp đồng nguyên tắc bằng hình thức thư bảo lãnh do Bank of India (chi nhánh Singapore) phát hành.

Theo báo cáo của VIDIFI, qua 5 tháng vận hành, khai thác, lưu lượng xe trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đạt hơn 2,3 triệu lượt xe, bình quân khoảng 15.000 lượt xe/ngày đêm (chiếm 56% tổng số xe lưu thông từ Hà Nội-Hải Phòng), giảm tải đáng kể cho tuyến Quốc lộ 5, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, đặc biệt là trong những ngày lễ, Tết.

Nhà đầu tư ngoại vẫn chần chừ “mua” cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ảnh 2Qua 5 tháng vận hành, khai thác, lượng xe trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đạt hơn 2,3 triệu lượt xe. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong đó xe loại 4, loại 5 (xe loại 20 feet, 40 feet) gần 900 chiếc/ngày đêm, chiếm khoảng 23% tổng số xe loại 4, 5 lưu hành từ Hà Nội-Hải Phòng.

Ngay từ khi mới đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã đạt được mức lưu lượng ổn định và đang tiếp tục tăng trưởng (từ mức bình quân 12.000 lượt xe/ngày đêm trong tháng đầu tiên, nay là 16.000 lượt xe/ngày đêm).

Hiện nay, đường cao tốc còn vắng xe là do xe chạy tốc độ nhanh, xe thoát nhanh và mặc dù chiếm 56% lưu lượng xe, vẫn thông thoáng. Mặt khác, theo tính toán của dự án thì tuyến đường sẽ mãn tải vào năm thứ 15 (kể từ năm 2016), khi đó lưu lượng khoảng 74.000-80.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm.

Đặc biệt, lưu lượng xe sẽ tăng trưởng nhanh hơn tính toán trong dự án khi các cơ sở hạ tầng kết nối với tuyến đường được phát triển đồng bộ, đặc biệt là khi tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng hoàn thành, đưa vào khai thác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục