Nhà văn Sơn Tùng: “Tâm linh” dẫn đường viết về Bác

Ông không còn nhớ chính xác mình đã thực hiện tất cả bao nhiêu chuyến đi và gặp gỡ bao nhiêu nhân chứng như vậy.
“Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng… Côn không muốn đưa em đến ở nhà ai vì sợ người ta khó chịu vì sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi… Côn bế em vào lòng, tựa lưng vào bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm…” Đôi mắt ứa lệ, nhà văn Sơn Tùng không giấu được niềm xúc động khi nghe người khách trẻ đọc lại những trang văn “Búp sen xanh,” tác phẩm mà ông tâm đắc nhất viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dành cả cuộc đời để xây dựng những tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ, ông được coi là nhà văn Việt Nam viết nhiều và thành công nhất về Người cho đến nay. 40 năm… một hành trình Vừa trò chuyện vừa lấy khăn thấm mồ hôi trên gương mặt khô gầy, hằn in vết thời gian của nhà văn, bà Phan Hồng Mai, người bạn đời của nhà văn kể: “Vài năm gần đây, sức khỏe của ông ấy yếu đi nhiều, nói chuyện cũng rất khó. Thế nhưng, hễ có ai đến chơi, nhắc tới những câu chuyện về Bác là tâm trạng ông ấy lại phấn chấn hơn hẳn, đôi mắt sáng lên niềm vui.” Những năm tháng quá khứ với quá trình tìm tư liệu để cho ra đời những áng văn về Bác như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông. Nhà văn đã thực hiện một cuộc hành trình dài để xây dựng một khối lượng tác phẩm phong phú về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Ý tưởng tìm hiểu về Người lần đầu tiên đến với ông vào khoảng năm 1948. Khi ấy, người thanh niên Bùi Sơn Tùng đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An. Trong thời gian đó, nhà văn đã nhiều lần được tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh [chị gái của Bác-PV] và ông Nguyễn Sinh Khiêm [anh trai của Bác] tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. Chính những cuộc trò chuyện ấy đã cung cấp cho nhà văn nhiều tư liệu quý báu về gia phong của dòng họ Nguyễn Sinh cũng như những câu chuyện về gia cảnh, tuổi thơ… của Người. Nhà văn Sơn Tùng kể, điều đọng lại trong ông sâu sắc nhất là lời dạy của cụ Nguyễn Sinh Sắc với các con từ thuở thiếu thời: Phải luôn coi “liêm sỉ” và “quốc sỉ” là hai điều căn bản nhất trong mọi hành động và suy nghĩ. Tiếp sau đó, trên những chặng đường hành quân vào chiến trường, nhà văn tiếp tục lắng nghe, ghi chép những câu chuyện về Bác. “Ông ấy từng kể với tôi rằng, hồi đó, hễ có bất cứ ai hoặc nhóm nào nhắc đến Bác là ông ấy sà vào nghe, nếu có giấy bút là ghi chép lại ngay, như một người thư ký,” bà Mai nói, giọng đầy phấn chấn. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông lại miệt mài trong hành trình đi tìm tư liệu về Bác. Bước chân ông đã in dấu ở mọi miền Tổ quốc từ Cao Bằng, Thái Nguyên đến Phan Thiết, Sài Gòn… để tập hợp tư liệu và gặp gỡ những người thân trong gia đình Người. Trong ký ức mờ nhòe của mình, ông không còn nhớ chính xác mình đã thực hiện tất cả bao nhiêu chuyến đi và gặp gỡ cụ thể bao nhiêu nhân chứng như vậy. Chỉ biết rằng, suốt hơn bốn thập kỷ cầm bút, nhà văn đã cho ra đời 14 đầu sách văn học về vị Cha già của dân tộc. “Đó là một hành trình dài, xuyên suốt. Nhà văn Sơn Tùng đã làm việc với một thái độ cần mẫn, nghiêm túc để cho ra đời những tác phẩm vô cùng xúc động về Bác,” nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. “Tâm linh”… dẫn đường Xác định gắn bó cả cuộc đời cầm bút của mình với những đề tài về Bác nhưng không phải cứ có đủ tư liệu là có thể viết. “Phải sáng tác bằng tâm linh,” nhà văn nói, giọng đầy khó nhọc do sức yếu nhưng ánh mắt lại rạng lên niềm vui. “Tâm linh” theo cách nói của nhà văn chính là lòng kính yêu chân thành mà nhà văn dành cho Người cùng những khoảng lặng để dừng lại suy ngẫm, cảm nhận về những câu chuyện về Bác. Đó là lý do mà phải tốn đến hàng chục năm, những tác phẩm sâu sắc về Bác của ông mới hoàn thành. Tư liệu có từ những năm 1948 nhưng phải đến năm 1982, “Búp sen xanh," tiểu thuyết đầu tiên về Bác của nền văn học hiện đại Việt Nam mới hoàn tất. “Cháu biết không, chính ‘tâm linh’ ấy cũng chính là sức mạnh, động lực giúp ông ấy vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc đời để viết nên những tác phẩm văn chương về Bác,” người bạn đời của nhà văn chia sẻ, giọng bà nghẹn lại, đôi mắt nhòa lệ. Năm 1972, nhà văn Sơn Tùng trở về từ chiến trường với 14 vết thương trên người và ba mảnh đạn trong đầu mà không thể phẫu thuật để lấy ra. Bàn tay trái bị liệt và bàn tay phải rơi vào trạng thái co quắp do chỉ còn ba ngón tay. Ấy vậy mà suốt hơn 40 năm nay, ông vẫn cần mẫn “bám” vào đời viết; để những câu chuyện về Bác như “Từ làng Sen,” “Hoa râm bụt”… có thể đến được với độc giả. “Chính những tác phẩm văn học như vậy đã, đang và sẽ tiếp tục giúp thế hệ trẻ có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc và ghi nhớ tốt hơn những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, một lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới,” Tiến sỹ Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ. “Gấp những trang sách của nhà văn Sơn Tùng lại, người ta vẫn không thể quên câu chuyện về thời niên thiếu của Người gắn với những biến thiên của lịch sử, những thăng trầm của gia đình nội-ngoại cùng quá trình ‘hình thành nhân cách,’ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người,” tiến sỹ Nguyễn Nam bày tỏ./.
Nhà văn Sơn Tùng tên đầy đủ là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Ông đã cho ra đời 14 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, tiêu biểu là: "Búp sen xanh," "Bông sen vàng," "Hoa râm bụt"... “Búp sen xanh” đã được tái bản hơn 20 lần và được dịch sang tiếng Anh.

Ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ- CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

P. Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục