Nhân viên cứu thương Anh hoãn kế hoạch đình công đòi tăng lương

Lãnh đạo nghiệp đoàn Unite cho biết sẽ tạm dừng cuộc đình công được lên kế hoạch cho ngày 6-8/3 sau khi phía chính phủ đề xuất một số điều kiện bảo đảm trong cuối tuần qua.
Nhân viên cứu thương Anh hoãn kế hoạch đình công đòi tăng lương ảnh 1Nhân viên y tế tham gia đình công tại Liverpool, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiệp đoàn Unite của Anh cho biết sẽ tạm dừng cuộc đình công được lên kế hoạch cho ngày 6-8/3, với sự tham gia của các nhân viên xe cứu thương nước này, để tham gia đàm phán với chính phủ về vấn đề tăng lương.

Động thái trên của Unite diễn ra 2 ngày sau khi 2 nghiệp đoàn khác là GMB và Unison cũng tuyên bố hoãn cuộc đình công diện rộng.

Trong một thông báo, lãnh đạo Unite Gail Cartmail cho biết đã đưa ra quyết định trên sau khi phía chính phủ đề xuất một số điều kiện bảo đảm trong cuối tuần qua.

Tuy nhiên, Unite cho biết nếu đàm phán không dẫn đến thỏa thuận chung thì nghiệp đoàn sẽ tiếp tục thúc đẩy đình công. Unite cho biết các điều kiện bảo đảm gồm việc bổ sung nguồn tài chính mới để hỗ trợ tăng lương, thay vì gây áp lực đối với ngân sách hiện nay.

[Anh đối mặt với cuộc đình công lớn nhất lịch sử của các nhân viên y tế]

Trong những tháng gần đây, làn sóng đình công đã lan rộng trên khắp nước Anh, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, giáo dục, vận tải và y tế, khi người lao động cho rằng tiền lương không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng lên. Lạm phát của Anh trong tháng 12/2022 đã giảm nhẹ xuống 10,5%, song vẫn ở mức gần cao nhất trong 4 thập kỷ do hóa đơn năng lượng tăng vọt, xuất phát từ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Những người lao động đã yêu cầu tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát để có thể trang trải các hóa đơn. Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã từ chối tăng lương cho khu vực công do không đủ khả năng chi trả, trong khi các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc tăng lương có thể đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), trong năm ngoái, số ngày làm việc bị mất tại Vương quốc Anh là gần 2,5 triệu, cao nhất kể từ năm 1989 (với 4,1 triệu ngày làm việc bị mất), do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người lao động tham gia đình công đòi tăng lương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục