Nhật Bản cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Tokyo trước thềm Olympic

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở phần lớn các tỉnh, thành và đưa một số tỉnh, thành này, trong đó có Tokyo, vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Nhật Bản cân nhắc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Tokyo trước thềm Olympic ảnh 1Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo trước khi Olympic khai mạc vào tháng tới, nhưng sẽ đưa thành phố này vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong thời gian diễn ra thế vận hội mùa Hè này.

Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo vào ngày 23/4 vừa qua. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này.

Sau đó, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đã lần lượt đưa thêm các tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách vào ngày 12/5, Hokkaido, Okayama và Hiroshima vào ngày 16/5 và Okinawa vào ngày 23/5.

Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh, thành này sẽ hết hạn vào ngày 20/6.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tạm lắng ở nhiều tỉnh, thành. Ngày 14/6, Nhật Bản ghi nhận 936 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với con số 7.766 ca - mức đỉnh của đợt bùng phát thứ 4 này được ghi nhận vào ngày 9/5. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày kể từ ngày 22/3.

Đáng chú ý, thủ đô Tokyo chỉ ghi nhận thêm 209 ca nhiễm mới, giảm 26 ca so với một tuần trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Osaka, tâm dịch của làn sóng lây nhiễm lần này, cũng giảm 15 ca so với một tuần trước đó xuống còn 57.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở phần lớn các tỉnh, thành và đưa một số tỉnh, thành này, trong đó có Tokyo, vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm - một phương án phòng dịch bớt quyết liệt hơn so với tình trạng khẩn cấp.

Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết Chính phủ sẽ xem xét liệu có duy trì các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo hay không, hay dỡ bỏ các biện pháp này trước khi thế vận hội khai mạc vào ngày 23/7.

Một quan chức dấu tên nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp một cách thích hợp. Sẽ không có việc hủy hay hoãn Olympic."

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế vẫn bày tỏ quan ngại về khả năng dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại nếu Nhật Bản tổ chức Olympic Tokyo theo đúng kế hoạch vào tháng Bảy tới. Trong tuần này, một nhóm chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, dự kiến sẽ công bố về các rủi ro y tế nếu Olympic diễn ra theo đúng kế hoạch.

[Nhật Bản bổ sung quân nhân, cảnh sát vào diện tiêm vaccine COVID-19]

Trước đó, ông Omi đã từng khẳng định việc tổ chức Olympic trong lúc đang diễn ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là “một điều không bình thường."

Dự kiến, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 17/6 để đưa ra quyết định về việc có dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Tokyo hay không.

Ngoài vấn đề trên, sự chú ý cũng đang tập trung vào việc liệu Chính phủ Nhật Bản và Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo có cho phép khán giả trong nước tới dự khán các giải đấu này hay không.

Hiện nay, Ban tổ chức muốn cho phép một số khán giả vào sân và sẽ đưa ra quyết định về số lượng khán giả tối đa được phép dự khán các giải đấu này vào cuối tháng Sáu. Điều này sẽ tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ về giới hạn số lượng khán giả tham dự các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn.

Hiện nay, giới hạn này là tối đa 5.000 người, hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức nhưng không quá 5.000 người. Tuy nhiên, theo Kyodo, Chính phủ có thể sẽ nâng giới hạn này lên 10.000 hoặc 20.000 người hoặc chỉ đơn thuần giới hạn ở 50% công suất của địa điểm thi đấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục