Nhật Bản - Vững tin đứng lên giữa chốn hoang tàn

Động đất và sóng thần cùng sự khủng hoảng hạt nhân không quật ngã được người dân Nhật, họ tin tưởng mãnh liệt đất nước sẽ hồi sinh.
Tối 18/3/2011, bầu trời Nhật Bản về đêm càng buốt giá với những cơn mưa lâm thâm. Cái không khí tĩnh mịch của đêm càng làm đặc thêm nỗi đau mất mát do thảm họa động đất-sóng thần gây ra trước đó gần một tuần.

Nhật Bản mạnh mẽ

Đài truyền hình NHK phát đi những hướng dẫn chống phơi nhiễm phóng xạ (nếu có) dành cho người dân, đặc biệt là người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân.

Làm theo đúng hướng dẫn, tôi và một người bạn nữa mang theo ô và khẩu trang đến trường học để tìm hiểu tình hình của nhà trường và các học sinh sau động đất.

Không khí làm việc của các giáo viên vẫn như mọi ngày song trầm lắng hơn và thiếu vắng hẳn những  nụ cười. Các thầy cô giáo đang bắt tay vào giải quyết hàng núi công việc cho các lưu học sinh về nước lánh nạn.

Cô Hiruma Tomoko, một giáo viên phụ trách của nhà trường, trò chuyện với một số lưu học sinh  đang làm thủ tục xin về nước nghỉ Xuân. Cô nắm tay họ và nói hãy tin tưởng vào những gì mà người Nhật Bản đang làm.

“Nihon Genki,” “Japan is strong” (Nhật Bản mạnh mẽ). Cô nói: “Khi về nhà, các em hãy nói với gia đình rằng Nhật Bản luôn mạnh mẽ để gia đình yên tâm. Hãy quay trở lại với các thầy cô sau đợt nghỉ Xuân nhé. Chúc các em thượng lộ bình an.”

Chứng kiến cảnh chia tay này, hai chúng tôi chỉ biết đứng lặng im mà chẳng nói được điều gì. Cô Yagi Yukari cho biết tới 70% lưu học sinh muốn về nước và nhà trường đang cố gắng làm những thủ tục nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho lưu học sinh về nước trong dịp này.

Với tình cảm ấm áp và cử chỉ nhân ái của nhà trường, tôi tin rằng sẽ chẳng có học sinh nào lại không tự hứa với lòng mình là sẽ quay lại Nhật Bản trong một ngày không xa.

Đúng vậy, nước Nhật trong mắt của chúng tôi sau thảm họa không chỉ có đau thương và mất mát mà còn là một nước Nhật kiên cường với những công dân yêu nước và có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai.

Họ không những không hề yếu đuối mà còn biết truyền lửa nhiệt huyết sang những người xung quanh để tất cả đều tin tưởng rằng thảm họa kép không thể quật ngã được họ.

Đứng lên từ đổ nát

Về đến ký túc xá, lòng tôi nặng trĩu. Lại một đêm nữa, tôi không ngủ. Đài truyền hình tiếp tục đưa hình ảnh những người dân trong vùng thảm họa đang lang thang trong tuyết. Gương mặt họ đỏ ửng vì băng giá, quần áo lem luốc vì bùn đất trong khi trên tay họ cầm những tờ giấy ghi tên người thân bị mất tích.

Có tiếng gào khóc của những người phụ nữ mất chồng mất con vẳng lại trong những hình ảnh mà máy quay ghi hình được. Một cụ ông trạc ngoài 70 nói với phát thanh viên truyền hình rằng ông đang đi tìm đứa cháu hơn 10 tuổi mất tích sau trận sóng thần. Tiếng nấc nghẹn ngào xen lẫn những lời nói trong nước mắt của ông lão khiến người phát thanh viên chỉ biết im lặng. Nỗi đau mất người thân của họ đã lên tới đỉnh điểm. Đáp lại những tiếng khóc gào ấy chỉ là tiếng gió rít lạnh lùng của mùa Đông.

Đôi mắt tôi cay xè. Tôi tắt tivi, không dám xem tiếp nữa vì sợ không kìm nén nổi cảm xúc. Tiếng mưa rơi lộp bộp bên hiên cửa. Tiết trời đêm ở Tokyo lạnh và buồn đến đáng sợ. Cũng thời điểm đó, do số lượng người nước ngoài trở về nước gia tăng đột biến, một số hãng hàng không Nhật Bản mở thêm nhiều chuyến bay bổ sung và giảm giá vé. Rất nhiều người bạn của tôi, gồm cả các bạn nước ngoài, cũng quyết định tạm rời xa nước Nhật trong thời điểm này.

Các cơ quan đại diện của một số nước châu Âu và Mỹ cũng rút khỏi Tokyo xuống phía Nam kể từ sau động đất.

Tại sân bay Narita, một hàng dài người nước ngoài đang xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh. Trong số hành khách đi Việt Nam có cả những người Nhật, thanh niên có, người cao tuổi cũng có.

Có một cặp vợ chồng người Nhật đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Người vợ đang khóc và người chồng ngồi bên an ủi vợ. Tiếng khóc của người phụ nữ ấy tuy chỉ khe khẽ nhưng cũng đủ để mọi ánh mắt đổ dồn vào họ. Dường như ai cũng hiểu và cảm thông cho những giọt nước mắt ấy. Phải rời xa đất nước trong những thời khắc như vậy, chẳng có người dân Nhật nào lại không thấy buồn.

Tự nhiên, tôi nhớ đến lời của cô giáo khi cô nắm chặt tay học sinh với đôi mắt sáng long lanh, “Nihon Genki ne!” Vâng, Nhật Bản sẽ kiên cường trụ vững. Nhật Bản thật mạnh mẽ. Hôm nay có thể chỉ là những giọt nước mắt buồn thương nhưng ngày mai thay vào đó sẽ là những nụ cười rạng rỡ. Bởi lẽ, bất chấp những gì đã qua, mỗi người dân đất nước Mặt Trời mọc luôn mang trong tim họ niềm tin bất diệt về một Nhật Bản sẽ hồi sinh sau thảm họa./.

Các bài trước:

Nhật Bản vượt qua khó khăn của ngày định mệnh
87 tiếng đồng hồ đối đầu với động đất và sóng thần
Vị “tướng quân” của Nhật trong đợt thảm họa kép
"Người hùng Fukushima" bên lò phản ứng hạt nhân


Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục