Nhiều triển vọng tăng trưởng giá trị xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam và sẽ còn tiếp tục "mở cửa" cho thêm nhiều nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Xuất khẩu nhóm hàng rau quả trong 11 tháng đạt 5,32 tỷ USD, tăng tới 74,5%. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Xuất khẩu nhóm hàng rau quả trong 11 tháng đạt 5,32 tỷ USD, tăng tới 74,5%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 10,55 tỷ USD, tăng tới 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong năm 2023, đặc biệt là việc duy trì, mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

- Xin Thứ trưởng cho biết về tình hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 11 tháng và dự báo kết quả năm 2023?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2023 là một năm rất khó khăn trong xuất khẩu. 11 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn bám đuổi mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 54 tỷ USD.

Trong 11 tháng, một số nông sản chủ lực đã có sự chuyển biến rất tích cực như giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%... Các sản phẩm khác như tôm, cá tra và lâm sản cũng đang được thúc đẩy xuất khẩu tích cực, quyết liệt để có đạt mục tiêu là 54 tỷ USD của năm 2023.

Đặc biệt, chúng ta thấy rằng cơ cấu thị trường xuất khẩu nông sản đã thay đổi trong năm 2023. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc 11,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,2%, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Hoa Kỳ đạt 9,5 tỷ USD, chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản đạt 3,5 tỷ USD chiếm 7,4%, giảm 9,1%...

a7d7d6efe162483c1173-630.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với các ngành hàng chủ lực như thủy sản và lâm sản gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 thì tin vui là các thị trường xuất khẩu đang ấm dần. Thêm vào đó, chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì hai ngành này cũng sẽ vươn lên trong thời gian còn lại của năm để đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản năm 2023.

Trên cơ sở kết quả các các ngành hàng: Rau quả, lúa gạo, thủy sản, lâm sản… đã đạt được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ cùng các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thúc đẩy sản phẩm thế mạnh và lợi thế các thị trường để xuất khẩu “về đích” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Năm 2023 là một năm mà thị trường Trung Quốc đã để lại nhiều dấu ấn khi một số sản phẩm đã đạt giá trị cao nhờ xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng phát triển thị trường này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Để có được các Nghị định thư xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc chúng ta phải phấn đấu rất lâu và còn tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa các đối tượng. Hiện nay, chúng ta đang xúc tiến mở rộng thêm 4 đối tượng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: Dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh, dưa hấu từ xuất khẩu truyền thống sang chính ngạch.

Bốn nghị định thư này đã trải qua quá trình điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ và có dự thảo văn kiện. Theo tôi được biết, từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có cơ hội để ký kết 4 nghị định thư này. Nếu chúng ta triển khai được 4 nghị định thư mới này sẽ tăng thêm giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc.

saurieng-350.jpg
Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tăng kỷ lục nhờ được xuất khẩu chính ngạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký với tỉnh Quảng Tây một nghị định thư về xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở hai bên biên giới. Điều này sẽ giúp tăng cường xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật. Đây là cơ hội để mở rộng các đối tượng xuất khẩu và lợi thế rất lớn để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

- Vậy đối với việc tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường này, Thứ trưởng có khuyến cáo gì đối với các địa phương, doanh nghiệp?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm trong nước và Trung Quốc đều sẽ tăng 15-20%. Đây là cơ hội đóng góp thêm vào giá trị xuất khẩu nông sản cho năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, tôi đề nghị các doanh nghiệp, địa phương, các hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và các mã vùng trồng, các cơ sở chế biến đóng gói.

Thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn với 1,4 tỷ dân và Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về xuất khẩu sang thị trường này. Chúng ta cần tranh thủ để thu hoạch, sơ chế chế biến, thúc đẩy và thực hiện tốt những Nghị định thư giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục