Những bệnh nguy hiểm tới sức khoẻ khi nguồn nước bị ô nhiễm

Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), khi nước bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, chất phóng xạ có thể gây ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Những bệnh nguy hiểm tới sức khoẻ khi nguồn nước bị ô nhiễm ảnh 1Hướng dẫn người dân vệ sinh nguồn nước phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), khi nước bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, chất phóng xạ có thể gây ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Khi môi trường nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc khi nước trở thành môi trường cho các vật trung gian truyền bệnh phát triển thì có thể gây ra nhiều loại bệnh.

Đó là các bệnh về đường tiêu hóa như: tiêu chảy, bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, viêm gan A…; bệnh giun sán (bệnh giun đũa, giun móc, bệnh sán lá gan, sán lá phổi…); bệnh do muỗi truyền (bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết, bệnh Zika, bệnh viêm não Nhật Bản…).

[Giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước ở nơi ngập lụt]

Nguồn nước cũng có thể gây bệnh do thừa hoặc thiếu các nguyên tố hóa học có trong nước tự nhiên (như i-ốt, flo) hoặc do nước bị nhiễm bẩn bởi các yếu tố hóa học, chất độc sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày (như: kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, các chất phóng xạ).

Đặc biệt, khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm chất phóng xạ, người sử dụng có thể mắc các bệnh như nhiễm phóng xạ cấp, ung thư, sảy thai, dị tật bẩm sinh.

Trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, khi người dân sử dụng nước bẩn để tắm, giặt có thể mắc các bệnh ngoài da như: hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, đau mắt đỏ, viêm kết mạc…

Bộ Y tế khuyến cáo, để tăng cường sức khỏe để phòng, tránh các bệnh trên, người dân cần sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt; không làm nhiễm bẩn nguồn nước đặc biệt từ nước thải gia đình, nước thải công nghiệp, phân người, động vật…

Người dân luôn duy trì ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân; không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, loăng quăng phát triển trong nước bằng cách: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước ăn, khơi thông cống rãnh, thả cá ăn bọ gậy, loăng quăng trong bể nước…

Những năm qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước được triển khai rộng rãi tại nhiều tỉnh và nhiều đơn vị, tại địa phương.

Theo báo cáo của các đơn vị và các tỉnh/thành phố giai đoạn 2012-2016, Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục