Nội dung tranh luận giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ

Nội dung tranh luận giữa hai ứng cử viên của cuộc đua vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng chủ yếu xoáy vào các vấn đề đối nội.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama và đối thủ cạnh tranh chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitt Romney tối 3/10 (giờ địa phương) tức sáng 4/10 (giờ Việt Nam) đã bước vào cuộc tranh luận đầu tiên trong ba cuộc tranh luận được phát sóng trên truyền hình. Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên được tổ chức tại thành phố Denver, bang Colorado, kéo dài 90 phút, chủ yếu xoáy vào các vấn đề đối nội, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm kinh tế, chăm sóc y tế, vai trò và sự quản lý của chính phủ. Nhà báo nổi tiếng của chương trình truyền hình "PBS Newshour," Jim Lehrer, là người chủ trì và điều phối cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên này được xem vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với cả hai ứng cử viên và có thể trở thành bước ngoặt trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 6/11 tới. [Bầu cử Tổng thống Mỹ: Obama cận kề chiến thắng?] Hai ứng cử viên đã có những màn giới thiệu ngắn trong hai phút. Tổng thống Obama nhân dịp này chúc mừng Đệ nhất phu nhân Michelle nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới, trong khi cựu Thống đốc Romney giới thiệu các kế hoạch tạo việc làm bằng cách giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ. Kinh tế, nhất là việc làm, là vấn đề tranh cãi gay gắt nhất. Tổng thống Obama thừa nhận tỷ lệ thất nghiệp trên 8% là cao, nhưng đổ lỗi phần lớn trách nhiệm cho chính sách của chính quyền Cộng hòa tiền nhiệm đã đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kể từ cuộc Đại suy thoái. Ông Romney cho rằng chính quyền Obama đã thất bại trong các chính sách kinh tế, dẫn đến hàng trăm nghìn việc làm bị mất trong 4 năm qua. Ông Romney quy trách nhiệm về món nợ hơn 16.000 tỷ USD hiện nay một phần cho các kế hoạch chi tiêu quá tốn kém của Nhà Trắng, trong khi ông Obama lại cảnh báo cử tri về chủ trương giảm thuế đồng đều của ông Romney, cho rằng cách làm đó chỉ nhằm duy trì các chế độ ưu ái đối với thiểu số những người giàu. Tổng thống Obama bác bỏ sự cáo buộc của ông Romney nói rằng cắt giảm ngân sách là làm suy yếu quân đội Mỹ, xác định đó vừa là một biện pháp giúp cân bằng ngân sách vừa là một cách thức để không phải tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu và các tập đoàn. Về vấn đề chăm sóc y tế, ông Romney đồng ý với một số điểm cơ bản trong đạo luật mà Tổng thống Obama đã ký ban hành, nhưng nhấn mạnh thêm chủ trương chuyển bớt trách nhiệm cho các bang, tư nhân hóa một phần chương trình để người lao động tự do lựa chọn. Vai trò và sự quản lý của chính phủ là vấn đề mà hai ứng cử viên có sự khác biệt lớn. Trên quan điểm chỉ nên là người định hướng và giúp giải quyết các vấn đề, ông Romney chủ trương xây dựng một chính phủ gọn nhẹ, không can thiệp vào các vấn đề cụ thể, ngay cả các gói cứu trợ, phó mặc thị trường cho tư nhân, trong khi ông Obama vẫn kiên trì với chính sách tăng cường vai trò và sự can thiệp của chính phủ vào mọi lĩnh vực của nước Mỹ. Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên diễn ra khi các kết quả thăm dò công bố cùng ngày cho biết Tổng thống đương nhiệm Obama tuy vẫn đang dẫn trước đối thủ, nhưng ông Romney đã phần nào rút ngắn được khoảng cách chênh lệch, nhất là tại một số bang được cả hai bên xác định là "quyết chiến" trong năm bầu cử 2012. [Bầu cử Mỹ: Có thẻ căn cước thì mới được bỏ phiếu?] Kết quả thăm dò chung công bố ngày 2/10 của Wall Street Journal/NBC News cho biết ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng hiện đang dẫn đối thủ với tỷ lệ 49%-46% trên phạm vi cả nước, giảm 2% so với khoảng cách chênh lệch 5% ở thời điểm giữa tháng Chín. Tại ba bang quan trọng nhất của năm bầu cử 2012, theo thăm dò công bố ngày 3/10 của NBC News/Marist/Wall Street Journal, ông Obama đang dẫn đối thủ Romney với các tỷ lệ tương ứng 51%-43% tại Ohio, 47%-46% tại Florida và 48%-46% tại Virginia.
Nội dung tranh luận giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ ảnh 1
Người dân Mỹ chăm chú theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình (Nguồn: AFP)
Tỷ lệ dẫn điểm của ông Obama đã bị rút ngắn đôi chút so với các tỷ lệ hồi tháng trước tại ba bang này là 50%-43%, 49%-45% và 49%-45%. Tuy nhiên, ông Obama có một lý do để lo lắng khi kết quả thăm dò của Esquire/Yahoo ngày 3/10 cho biết có tới 45% những người được hỏi ý kiến cho rằng vị tổng thống đương nhiệm đã thất bại trong sứ mệnh tạo việc làm. Có nhiều lý do khiến thái độ của cử tri tại ba bang này vẫn tiếp tục có sự thay đổi, trong đó có một thực tế là trong tổng số 687 triệu USD mà hai ứng cử viên đã chi cho quảng cáo tranh cử, có tới hơn một nửa, khoảng 384 triệu USD, đã được chi cho ba bang chiếm 60 trong tổng số 438 phiếu đại cử tri này./.
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục