“Ông lớn” hàng hải muốn tăng vốn điều lệ để mở rộng sản xuất kinh doanh

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển kế hoạch sản xuất kinh doanh với 3 trụ cột chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Bốc xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bốc xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sẽ phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm và chú trọng tái cơ cấu triệt để các đơn vị thành viên nhằm bảo đảm vượt sóng gió trên “hải trình.”

Đầu tư 3 trụ cột chính

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VIMC vào sáng nay (16/4), theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC, năm nay, Tổng công ty đề ra kế hoạch sản lượng vận tải biển 15,9 triệu tấn (76% so với năm 2023), sản lượng hàng thông qua cảng biển 123,6 triệu tấn (108% so với năm 2023).

“Doanh thu hợp nhất của VIMC và các đơn vị thành viên đạt 13.447 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.736 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ tổng doanh thu 2.415 tỷ đồng, tăng 348 tỷ đồng tương đương 17% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế 935 tỷ đồng, tăng 578 tỷ đồng so với thực hiện năm 2023, tương đương đạt gấp 2,62 lần so với thực hiện năm 2023,” ông Tĩnh cho hay.

Theo chiến lược phát triển của VIMC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, Tổng công ty đang và sẽ triển khai đầu tư đồng bộ các dự án đầu tư phát triển trong cả 3 lĩnh vực trụ cột kinh doanh chính gồm hệ thống cảng biển nước sâu tại các khu vực Lạch Huyện, Liên Chiểu, Cần Giờ,…; đầu tư phát triển đội tàu container và các cơ sở hạ tầng logistics với tổng mức đầu tư khoảng 43.196 tỷ đồng, trong đó dự kiến giá trị giải ngân giai đoạn 2021-2025 khoảng 31.796 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 12.246 tỷ đồng.

Vì vậy, ông Tĩnh nhấn mạnh việc tăng vốn điều lệ của VIMC là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của Tổng công ty nhằm tận dụng cơ hội về nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, đầu tư phát triển đội tàu, đầu tư tăng vốn tại các công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả…), phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của đơn vị.

vnp_doan chu toa VIMC.JPG
Đoàn chủ tọa điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của VIMC vào sáng ngày 16/4. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Chủ trương tăng vốn điều lệ của VIMC thông qua việc phát hành cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước,” ông Tĩnh nói về phương hướng kế hoạch nhằm đạt sự tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Cũng trong giai đoạn này, VIMC sẽ thực hiện thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn; đầu tư 4 tàu container từ 1.700-2.200Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn. Dự kiến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn trong đó đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn (13.000-16.000Teus), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

Luôn đặt mình vào vị trí đối thủ

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc VIMC cũng dự báo tình hình quốc tế, trong nước, thị trường vận tải biển tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, xung đột tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi, ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa.

Dự kiến nguồn cung tàu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu.

“Đặc biệt, đội tàu già (tuổi tàu trung bình là 20 tuổi), tính năng kỹ thuật kém, không đồng bộ, quy mô đội tàu ngày càng thu hẹp do quá trình tái cơ cấu cũng như do vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư nên nhiều năm nay các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu,” ông Tĩnh chỉ ra khó khăn.

Ngoài ra, khối cảng biển VIMC chịu áp lực ngày càng gay gắt từ khối tư nhân cũng như sự ra đời của nhiều cảng mới tại tất cả các khu vực có lợi thế hơn vị trí cảng của VIMC; vị trí kho bãi không thuận lợi, cách xa trung tâm khai thác cảng, cơ chế chính sách đối với khách hàng còn thiếu linh hoạt, không còn ưu thế cạnh tranh…

cang bien 1.jpg
VIMC sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án cảng biển trọng điểm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhằm thực hiện được những nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024, VIMC tập trung triển khai một số giải pháp phải quyết tâm giữ vững thị trường, thị phần, khách hàng như… giữ trận địa.

“Để giữ được khách hàng, việc quan trọng là phải luôn ngồi vào vị trí khách hàng và đặt mình vào vị trí đối thủ, tức là luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng. VIMC sẽ quản lý và bảo toàn vốn, mang lại doanh thu cho Tổng công ty và các đơn vị thành viên thông qua các giải pháp đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, phát triển đội tàu vận tải thế hệ mới, xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại,” ông Tĩnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VIMC cũng ưu tiên nguồn lực cho các dự án đầu tư trọng điểm gồm phát triển đội tàu container, cảng biển, các dự án chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và công nghệ thông tin; quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ Dự án bến 3-4 Cảng Lạch Huyện, đặc biệt tập trung nguồn lực cao nhất cho việc triển khai dự án trọng điểm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

“Ngoài việc tái cơ cấu nợ, tài chính cho các đơn vị thành viên, VIMC sẽ tìm kiếm các nguồn vốn để huy động vốn cho dự án trọng điểm; tập trung quản trị tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp của Tổng công ty,” ông Tĩnh khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục