Phản ứng chậm trễ với COVID-19 dẫn tới hậu quả kinh tế của châu Âu

Châu Âu đã trở thành trung tâm của sự lây lan dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, vấn đề kinh tế có liên quan chặt chẽ với cuộc khủng hoảng y tế.
Phản ứng chậm trễ với COVID-19 dẫn tới hậu quả kinh tế của châu Âu ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi các nước châu Á dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, thì châu Âu lại đang chìm vào đó.

Để bảo vệ nền kinh tế trong ngắn hạn, các quốc gia châu Âu lại phải áp dụng các biện pháp “bế quan tỏa cảng” với những tác động hết sức nặng nề.

Chuyên gia Nicolas Goetzmann, phụ trách công tác nghiên cứu và chiến lược kinh tế vĩ mô của Công ty tài chính “Financière de la Cité,” đã phân tích về tình trạng trên trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Figaro mới đây, đồng thời chỉ ra nguyên nhân châu Âu trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Vào tháng Hai, sự gia tăng về số lượng các trường hợp nhiễm bệnh đã giảm dần trên lục địa châu Á, cho đến khi châu Âu bị ảnh hưởng.

[Các nước châu Âu từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch]

Các nước châu Á đã kiểm soát được dịch bệnh trong vòng chưa đầy hai tháng, điều này khó có thể xảy ra ở "lục địa già."

Châu Âu đã trở thành trung tâm của sự lây lan dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, vấn đề kinh tế có liên quan chặt chẽ với cuộc khủng hoảng y tế.

Hiệu quả quản lý khủng hoảng y tế là điều sẽ quyết định cường độ của cuộc khủng hoảng kinh tế. Các quốc gia không áp dụng các biện pháp đe dọa, hoặc chọn bảo tồn nền kinh tế trong ngắn hạn, buộc phải thực hiện các biện pháp “bế quan tỏa cảng” cùng với những tác động hết sức nặng nề cả về y tế và kinh tế.

Kinh nghiệm về dịch bệnh trước đây đã cho phép các nước châu Á phản ứng mạnh mẽ với nguy cơ xuất phát từ đại dịch COVID-19. Ví dụ tại Hàn Quốc, trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 đã được ghi nhận vào cuối tháng Một, ngay sau đó hính phủ nước này đã nhanh chóng phát triển khả năng xét nghiệm hàng loạt.

Từ đầu tháng 2 đến ngày 10/3, hơn 200.000 xét nghiệm được thực hiện với việc triển khai hơn 600 trung tâm kiểm soát dịch bệnh trong nước.

Trong cùng thời gian này, Pháp chỉ thực hiện được 15.000 xét nghiệm trong khi thời gian của trường hợp đầu tiên (trong vòng hai ngày) là giống nhau.

Trong vài tuần, Hàn Quốc đã đạt được khả năng thực hiện 20.000 xét nghiệm mỗi ngày, đồng thời cô lập những người liên quan. Chiến lược này đã giúp Hàn Quốc tránh phong tỏa hoàn toàn đất nước.

Chính cách tiếp cận này, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ và khuyến nghị, nhưng người châu Âu đã thờ ơ. Kết quả là sự lây lan dịch bệnh ở châu Âu mạnh hơn so với ở châu Á. Pháp có tỷ lệ người bị ảnh hưởng của virus COVID-19 cao hơn hai lần số người ở Trung Quốc.

Có thể hiểu được sự tê liệt ban đầu của giới chức y tế ở mỗi quốc gia châu Âu. Điểm bùng phát ở châu Âu là vào cuối tuần ngày 22/2, khi số ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng nhanh ở Italy.

Phản ứng chậm trễ với COVID-19 dẫn tới hậu quả kinh tế của châu Âu ảnh 2Tiếp nhận người dân xét nghiệm ở Praha. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Từ thời điểm đó, các quốc gia châu Âu khác không còn có thể bỏ qua nguy cơ đang hiện diện ở chính quốc gia mình. WHO đã gia tăng cảnh báo vào thời điểm đó, yêu cầu các nước bị ảnh hưởng phản ứng nhanh và mạnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ở Pháp, một chiến lược khác đã được chọn, đó là "làm chậm" lại đà lây lan của dịch. Cả Tổng thống Emmanuel Macron hay Thủ tướng Édouard Philippe, mỗi người khi chỉ đạo liên quan đến COVID-19 đều đề cập đến khái niệm này.

Không phải là tìm cách chặn đứng dịch bệnh mà là làm chậm lại với mục tiêu kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh để tránh xảy ra tình trạng rối loạn năng lực y tế của đất nước.

WHO đã ngay lập tức chỉ trích cách tiếp cận này mặc dù không nêu đích danh châu Âu. Pháp vẫn không thực nghiệm xét nghiệm hàng loạt, bất chấp các cảnh báo, bất chấp Italy, bất chấp những kết quả thu được ở Hàn Quốc.

Báo chí đã bắt đầu lên tiếng từ giữa tháng Hai, nhấn mạnh nguy cơ virus lây lan từ 40 đến 70% dân số, với tỷ lệ tử vong từ 1% (Hàn Quốc) đến 3,4% (và hơn 8% ở Italy do vượt quá khả năng về y tế) mà WHO đã cảnh báo.

Cuối cùng, vào ngày 11/3, WHO bày tỏ lo ngại về việc các quốc gia châu Âu đã không hành động đủ. Ngay tối hôm đó, Mỹ đã đóng cửa biên giới với khu vực Schengen. Hai ngày sau, WHO thông báo rằng châu Âu đã trở thành tâm dịch.

Việc quản lý khủng hoảng y tế này là một thất bại của các quốc gia, đặc biệt là Pháp. Cũng cần lưu ý rằng các nhà khoa học vốn từng ủng hộ chiến lược làm chậm lại nay đã thay đổi quan điểm của mình bằng cách chỉ ra rằng chỉ có ngăn chặn dịch mới đủ khả năng tránh một thảm họa về y tế.

Sự thay đổi này đã gây ra phản ứng của Tổng thống Emmanuel Macron vào ngày 12/3 khi quyết định đóng cửa các trường học ở Pháp. Tuy nhiên, vào ngày 17/3, Thủ tướng Édouard Philippe vẫn nói về mong muốn của chính phủ là "làm chậm" sự lây lan của dịch bệnh, trong khi Tổng cục trưởng Tổng cục y tế Pháp Jérôme Salomon cho rằng việc xét nghiệm đại trà không còn ý nghĩa nữa. Cuối cùng Pháp đã đưa ra quyết định phong tỏa đất nước.

Về mặt kinh tế, cú sốc mà châu Âu đang gặp phải hôm nay chắc chắn là kết quả trực tiếp của sự bất lực về y tế của các chính phủ, bao gồm cả Pháp. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được sự chậm trễ trong việc phòng ngừa khi virus chủ yếu ảnh hưởng đến châu Á, nhưng việc né tránh vấn đề không còn có thể được biện minh từ ngày 22/2.

Mỹ và Anh đã theo đuổi cùng một chiến lược làm "chậm lại" như Pháp, thậm chí còn không phản ứng tốt hơn. Tuy nhiên, hai quốc gia này đang phát triển nhanh chóng về vấn đề xét nghiệm.

Từ ngày 16/3, Mỹ đã thực hiện 7.000 xét nghiệm mỗi ngày, đến ngày 18/3, công suất là 36.000 xét nghiệm mỗi ngày và vào ngày 19/3, một phòng thí nghiệm đã thông báo rằng họ có thể sản xuất 1 triệu bộ xét nghiệm mỗi tuần, hay 143.000 bộ mỗi ngày.

Tại Anh, vào ngày 18/3, Thủ tướng Boris Johnson cho biết nước này có thể xét nghiệm 25.000 người mỗi ngày. Ở Đức, 12.000 xét nghiệm hàng ngày được thực hiện. Chiến lược xét nghiệm hàng loạt này, được WHO khuyến nghị, vẫn chưa phải là ưu tiên của chính phủ ở Pháp.

Số lượng xét nghiệm được thực hiện là 4.000 ca ở bệnh viện và các số liệu khác không được công bố. Thái độ chờ đợi này dẫn đến tăng nguy cơ gia tăng tình trạng phong tỏa ngày càng kéo dài, làm suy yếu nền kinh tế ngày càng nhiều.

Phải đợi đến tận 18/3 thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đưa ra hành động có hiệu quả đáng chú ý. Phản ứng đầu tiên của ECB bắt đầu từ ngày 12/3 nhưng lại thất bại, trong khi đó Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) bắt đầu hành động từ ngày 3/3 với việc cắt giảm lãi suất đầu tiên.

Cho dù về phương diện y tế hay kinh tế, cuộc khủng hoảng này không phải là kết quả đơn giản của sự lây lan của dịch COVID-19, mà là sự mất lòng tin vào năng lực hành động của chính quyền. Đây là lý do tại sao các thị trường chứng khoán châu Âu đã phải hứng chịu nhiều mất mát trong tháng qua.

Sau thời gian “án binh bất động,” ECB đã công bố một kế hoạch lớn vào đêm 18/3, đó là một khoản nới lỏng định lượng lên tới 750 tỷ euro, cùng với các kế hoạch trước đó, nâng tổng giá trị vượt hơn 1.000 tỷ euro.

Các biện pháp lần này của ECB đáng hoan nghênh bởi vì trong cuộc khủng hoảng năm 2008, phản ứng của ECB còn chậm chạp hơn.

Tuy nhiên, có khả năng kế hoạch này sẽ vẫn chưa đủ, và ECB sẽ cần những công cụ mạnh mẽ hơn, ví dụ như công bố kế hoạch hỗ trợ "không giới hạn" với một mục tiêu rõ ràng là giúp nền kinh tế đạt tăng trưởng đủ mạnh để bù đắp cho những tổn thất trong hiện tại và tương lai do các lệnh phong tỏa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục