Phát huy thế mạnh của địa phương, đảm bảo quyền và lợi ích người dân

Các đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH cho các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương này.

Sáu nhóm chính sách cho từng địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và 8 nhóm chính sách cho Thanh Hóa là những chính sách bảo đảm được tính đặc thù, được xây dựng dựa trên những đề xuất, phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm nhu cầu, điều kiện của địa phương. Đây là cơ hội để địa phương đột phá, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng, từ đó tạo sức lan tỏa, sức kéo trong khu vực.

Tại phiên thảo luận, các nội dung liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch; một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, biên chế, ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính phù hợp với đặc thù của địa phương; ảnh hưởng, tác động của chính sách đối với người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể.

Một số đại biểu phân tích, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không được vượt quá 20%. Tuy nhiên, thực tế các địa phương chưa sử dụng hết định mức hiện tại.

Các đại biểu cho rằng, cần làm rõ cơ sở xây dựng, hạn mức dư nợ vay, phương án sử dụng vốn vay, dự kiến hiệu quả kinh tế, nguồn trả nợ vay, các khoản nợ vay theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công năm 2017 và Điều 11, 12 của Nghị định số 93/NĐ-CP/2018 của Chính phủ quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương. Điều quan trọng là cần tính toán thêm dựa trên mức độ cần thiết, phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương.

Giải trình những ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mỗi địa phương có điều kiện, trình độ, khả năng phát triển khác nhau, nếu tạo cú huých cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế, cần một số cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo để các địa phương trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Chủ trương này nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phát triển, tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về cho Trung ương.

Về chính sách dư nợ vay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc xác định chính sách dư nợ vay phải phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển, khả năng hấp thụ vốn, khả năng vay và trả nợ của từng địa phương. Mức dư nợ này sẽ khác nhau, các tỉnh, thành phố có quy mô lớn, thu ngân sách khác nhau, dư nợ mức trần cũng khác nhau.

Bên cạnh đó, việc tăng mức dư nợ vay của địa phương sẽ được kiểm soát trong giới hạn và bội chi ngân sách Nhà nước, trần nợ công được Quốc hội xem xét, quyết định hàng năm.

Trong phiên thảo luận trực tuyến chiều cùng ngày, Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.

Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để thực hiện mục tiêu là thách thức rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Năm 2021, bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, trong đó việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp khó khăn nhất định. Để thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ cũng như chính quyền các cấp.

[Cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho địa phương bứt phá]

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến việc đề nghị rà soát công khai các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng bảo hiểm xã hội; xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm y tế; xem xét quy định về việc bảo hiểm xã hội một lần; phân tích, đề xuất ban hành những chế tài nghiêm khắc để triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng bảo hiểm xã hội; đề xuất điều chỉnh mức đóng cho các doanh nghiệp và người lao động...

Bên cạnh đó, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến ảnh hưởng của Quyết định số 861/QĐ-TTg (về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025) đến việc số người thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế đã giảm với số lượng tương đối lớn. Các ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét và cho kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho đối tượng này đến hết năm 2021. Thời gian tới, khi xây dựng chính sách bảo hiểm y tế nên quy định theo đối tượng hưởng và không nên quy định theo vùng, khu vực; những đối tượng nghèo sẽ thiệt thòi.

Phát huy thế mạnh của địa phương, đảm bảo quyền và lợi ích người dân ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan sẽ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm; thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm, trong đó, có một số nội dung đã tiến hành như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển hệ thống xã hội đa tầng; sửa đổi, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu; đảm bảo nguyên tắc “đóng-hưởng” công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững; điều chỉnh chính sách hưởng một lần; đa dạng hóa danh mục cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, phải chú trọng việc đổi mới công tác tuyên truyền để người lao động đồng tình tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong lao động như kinh nghiệm các quốc gia phát triển; sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động; nghiên cứu, điều chỉnh, phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động; xây dựng các chính sách hướng dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Cũng trong chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu; cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế; đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống y tế cơ sở; triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa... nhằm đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế hợp lý, hiệu quả, công khai, minh bạch; bổ sung, xem xét mức độ đa dạng trong các gói bảo hiểm y tế; bổ sung quy định về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục