Phe nào là thủ phạm vụ tấn công hóa học ở Syria?

Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học của Syria, nhưng giờ họ lại bất đồng quanh việc ai là thủ phạm vụ tấn công.
Dù cuối tuần trước, hai kình địch cũ thời Chiến tranh Lạnh là Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria với thời hạn là giữa năm 2014, song hai phía vẫn còn khác biệt lớn trong đánh giá những cáo buộc tấn công bằng hơi độc ngày 21/8 khiến hàng trăm người thiệt mạng. Nga khẳng định vụ tấn công ở Ghouta, ngoại ô Damascus là một hành vi khiêu khích của phe đối lập nhằm khiến Mỹ tấn công chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mỹ và Pháp thì nói vụ tấn công do lực lượng chính phủ Syria tiến hành và cho rằng đánh giá mà các chuyên gia Liên Hợp Quốc mới công bố ủng hộ quan điểm của họ. Ngày thứ 17/9, sau khi gặp người đồng cấp Pháp Laurent Fabius ở Moscow, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov lặp lại cáo buộc của Moskva rằng vụ tấn công ngày 21/8 là do quân nổi dậy thực hiện. Ông Lavrov nói báo cáo của Liên Hợp Quốc chứng tỏ rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng, nhưng chế độ Assad không phải là thủ phạm. Nga vẫn cho rằng “về cơ bản đó là một hành vi khiêu khích,” ông Lavrov nói. Ông cũng kêu gọi các cường quốc không “chơi trò đánh vào cảm xúc” khi đưa ra các quyết định, mà phải “dựa vào ý kiến những người chuyên nghiệp.” Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ nhận xét của ông Lavrov. “Khi nhìn vào chi tiết bằng chứng được đưa ra, không thể không rút ra kết luận là chính quyền đã sử dụng vũ khí hóa học,” Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ngày 17/9 khi đề cập tới báo cáo của Liên Hợp Quốc. Trước đó, ông Fabius thừa nhận tồn tại “khác biệt trong cách tiếp cận” giữa Nga và Mỹ về các phương pháp cần thiết để đạt tới hòa bình, nhưng hai bên “hoàn toàn đồng ý” về việc cần một giải pháp chính trị. Những cuộc trao đổi ở Moskva diễn ra một ngày sau khi Pháp, Mỹ và Anh nói họ sẽ thúc đẩy một nghị quyết mạnh mẽ ở Liên Hợp Quốc. Các nhà ngoại giao nói Pháp và Anh đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết yêu cầu đe dọa trừng phát nếu ông Assad không tuân thủ kế hoạch giải giáp vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Lavrov nhấn mạnh thỏa thuận mà ông đạt được với người đồng cấp Mỹ John Kerry thứ Bảy vừa rồi không bao gồm lựa chọn tấn công vũ trang.
Phe nào là thủ phạm vụ tấn công hóa học ở Syria? ảnh 1
Tổng thống Francois Hollande (thứ 2 phải), Ngoại trưởng John Kerry (phải), Ngoại trưởng William Hague (thứ 2 trái), Ngoại trưởng Laurent Fabius (trái) sau cuộc gặp bàn về Syria hôm 16/9. (Nguồn: AFP-TTXVN)
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon dự kiến sẽ gặp các bộ trưởng ngoại giao của năm nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an ở New York bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và sau đó là của riêng Nga và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, ông Ban nói ngày thứ Ba. Các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đã mở thương lượng về lời lẽ trong một nghị quyết triển khai cụ thể thỏa thuận Nga-Mỹ vào ngày 17/9. Pháp muốn đưa vào một điều khoản xét xử các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Tòa án hình sự quốc tế (ICC), nhưng cuộc gặp đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Xung đột kéo dài 30 tháng ở Syria đã khiến hơn 110.000 người thiệt mạng. Bảy triệu người hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, với khoản chi phí cần thiết là 4,4 tỉ USD, theo điều phối viên các tình trạng khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Valerie Amos./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục