Phòng các bệnh lây nhiễm để hạn chế ung thư

Bên cạnh phòng chống tác hại của thuốc lá thì việc phòng ngừa các bệnh gây nhiễm có vai trò quan trọng để phòng chống ung thư.
Theo Giáo sư-bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Thành phố Hồ Chí Minh, trên thế giới, khoảng 1/5 ca bị ung thư là do các tác nhân gây nhiễm như virus, vi khuẩn và ký sinh trùng.

Tại hội thảo Phòng chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16, khai mạc sáng 3/12, Giáo sư Hùng cho biết ở Việt Nam hiện nay các loại ung thư thường gặp là ung thư vú, phổi, gan, dạ dày, cổ tử cung, đại trực tràng. Trong đó, ung thư gan có liên quan đến virus gây bệnh viêm gan siêu vi B và C. Ung thư dạ dày có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, ung thư cổ tử cung có liên quan đến virus gây bệnh bướu nhú (HPV)...

Theo ông Hùng, bên cạnh việc phòng chống tác hại của thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý, thì việc phòng ngừa các bệnh gây nhiễm có vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng chống ung thư.

Ông Hùng cho rằng vắcxin là chìa khóa vàng để phòng ngừa các loại ung thư trên, đặc biệt là vắcxin ngừa ung thư gan và ung thư cổ tử cung đã sẵn có ở Việt Nam.

Cũng tại hội thảo này, nhiều kỹ thuật mới cũng được giới thiệu như kỹ thuật mổ cắt thực quản qua nội soi, phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa với đường mổ nhỏ có nội soi hỗ trợ, kỹ thuật nhiệt điện cao tần trong điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí trung tâm...

Trong lĩnh vực hóa trị, việc áp dụng nhiều phác đồ mới trong điều trị ung thư bằng các thuốc nhắm trúng đích (trúng vào cơ chế gây nên ung thư) đã đem lại một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, giá thành của thuốc khá cao là một trở ngại cho việc sử dụng loại thuốc này.

Trong lĩnh vực xạ trị, việc ứng dụng rộng rãi đồng vị phòng xạ trong chẩn đoán và điều trị ung thư có nhiều bước tiến, như kỹ thuật SPECT nhằm chẩn đoán các di căn xương, kỹ thuật ứng dụng PET/CT, kỹ thuật xạ trị IMRT./.

Minh Ánh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục