Quan hệ EU-Trung Quốc: Nạn nhân của chính sách ngoại giao chiến lang?

Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu thừa nhận rằng có những “bất đồng sâu sắc” giữa hai người khổng lồ, khảo sát của Pew cho thấy những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục ở châu Âu.
Quan hệ EU-Trung Quốc: Nạn nhân của chính sách ngoại giao chiến lang? ảnh 1(Nguồn: politico.eu)

Theo trang mạng thediplomat.com, Nghị viện châu Âu đã quyết định "đóng băng" tiến trình phê chuẩn thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, tuyên bố rằng họ sẽ không thúc đẩy thỏa thuận này cho đến khi nào Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các tổ chức phi chính phủ và cá nhân châu Âu, trong đó có cả một số thành viên của Nghị viện châu Âu.

Quyết định này không phải là không có cơ sở. Quan điểm của giới lãnh đạo chính trị cũng như công chúng châu Âu về Trung Quốc đang ngày càng tiêu cực hơn.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu mới đây đã thừa nhận rằng có những “bất đồng sâu sắc” giữa hai người khổng lồ, trong khi một cuộc khảo sát của Pew cho thấy những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục ở nhiều quốc gia châu Âu.

Mặc dù Trung Quốc và EU vẫn đang đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nhưng điều này khó có thể ngăn mối quan hệ rơi xuống vực thẳm.

Sự sụp đổ quan hệ Trung Quốc-EU không phải là chuyện "một sớm một chiều". Cả 2 bên đều đã không ngừng điều chỉnh nhận thức của mình với bên kia và tái xác định vai trò của nhau trong mối quan hệ đối ngoại tổng thể.

[Trung Quốc hối thúc EU nối lại đàm phán về hiệp định đầu tư]

Điều này đặc biệt đúng với EU. Nhận thức được sức mạnh tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc, EU đã bắt đầu kêu gọi một mối quan hệ bình đẳng hơn và có đi có lại hơn về mặt thương mại và đầu tư với Trung Quốc ngay từ đầu những năm 2000, đồng thời kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ thể hiện sự tôn trọng lớn hơn dành cho dân chủ và nhân quyền.

Tuy nhiên, những kỳ vọng này đa phần chỉ là những ảo tưởng viển vông. Trung Quốc vẫn kiên định với hệ thống kinh tế độc nhất của mình, duy trì các chính sách bảo hộ thị trường, và trong con mắt của châu Âu, Trung Quốc đang ngày càng trở nên độc tài hơn.

Điều này đã kích động những thái độ bất bình và bi quan ngày càng gia tăng trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, phải đến năm 2019, những tâm lý này mới được Trung Quốc nhận thức rõ khi mà EU xác định nước này là một “đối thủ cạnh tranh về kinh tế” và “đối thủ mang tính hệ thống.”

Chắc chắn, mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang được định hình bởi sự tương tác giữa hai bên và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa họ có lẽ không nhất thiết phải chịu số phận như hiện nay. Nhìn vào Trung Quốc, có thể thấy ít nhất 3 sai lầm nghiêm trọng trong chính sách của họ với EU:

Thứ nhất, Trung Quốc đã không thể cư xử với EU giống như một nhân tố an ninh và chính trị quan trọng. EU là một siêu cường trong nhiều lĩnh vực. Đây là một nền kinh tế mạnh và là một thế lực quan trọng định hình trật tự thế giới.

Khối này đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và dịch bệnh truyền nhiễm. Các thành viên của khối, dù có những mối liên kết chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng cũng không phải những “chú lùn” về an ninh.

Họ, cùng với EU, là những nhân tố then chốt trong việc xử lý những thách thức an ninh đang diễn ra tại Libya, Sahel, Syria và Ukraine. Bên cạnh đó, EU còn đang nắm giữ quyền lực mềm mạnh mẽ: Họ thiết lập và dẫn dắt nhiều thể chế đa phương, hình thành các quy tắc quốc tế và duy trì một sức ảnh hưởng vô hình trên toàn cầu.

Hiện nay, EU đang thúc đẩy ý niệm về tự chủ chiến lược và đang nỗ lực đóng một vai trò quyết định hơn trong các cuộc chơi địa chính trị, qua đó thể hiện tham vọng ngày càng lớn của mình. Lẽ ra giới hoạch định chính sách Trung Quốc phải nhận thức rõ điều này, nhưng họ lại quá xem nhẹ EU và không nhận ra được sức mạnh và tham vọng của châu Âu.

Giới hoạch định chính sách và các nhà quan sát tại Bắc Kinh từ chối thừa nhận thành công lớn lao của sự hòa chập châu Âu và năng lực đáng kể của họ trong việc xử lý các thách thức ở trong và ngoài nước. Họ coi Brussels chỉ là một nơi để đàm phán và EU là một khối yếu kém với những chia rẽ sâu sắc từ bên trong và có thể vỡ tan thành từng mảnh bất kỳ lúc nào.

Về chính sách ngoại giao, Trung Quốc coi Mỹ là mục tiêu hàng đầu, nếu không muốn nói là duy nhất đối với việc hoạch định chính sách. Bắc Kinh thường xuyên nhìn vào mối quan hệ với châu Âu trong bối cảnh của mối quan hệ Trung-Mỹ và EU-Mỹ, đồng thời hy vọng sẽ không đẩy EU xích lại gần Mỹ, cũng như ngăn ngừa sự hình thành một liên minh chống lại mình.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hoặc đang xem nhẹ ý chí và năng lực của EU, hoặc đánh giá quá cao sự phụ thuộc của EU vào Mỹ.

Quan điểm lỗi thời về sức mạnh của EU và tư duy định hình mối quan hệ Trung Quốc-EU dựa trên một quốc gia thứ ba đang bóp méo chính sách châu Âu của Trung Quốc và làm vẩn đục nhận thức của Trung Quốc về EU.

Thứ hai, Trung Quốc đã không thể cân nhắc một cách nghiêm túc những yêu cầu về mặt quy tắc của EU. Trong nhiều thập kỷ, EU đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những giá trị như dân chủ, nhân quyền, quy tắc pháp lý trong các mối quan hệ bên ngoài của mình. Mối quan hệ của họ với Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không thể hiểu được điều đó và luôn không quan tâm đến những mối quan ngại về các chuẩn mực của EU. Nhìn từ quan điểm về lợi ích thực dụng, Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ đầu tư và thương mại với EU, và khi những bất đồng về mặt nguyên tắc giữa hai bên ngày càng lớn, họ đã nỗ lực sử dụng đầu tư và thương mại làm “củ cà rốt” để “mua chuộc” EU.

Trung Quốc lâu nay luôn coi EU là không thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nào và sẽ giữ yên lặng ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn nếu được cho một "củ cà rốt".

Thủ đoạn này trước đây có thể từng hiệu quả, nhưng không phải mãi mãi hiệu quả. Thương mại không phải toàn bộ mối quan hệ song phương.

Khi các chuẩn mực và giá trị trở thành những yếu tố hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị, Trung Quốc không nên ngây thơ tin rằng EU sẽ ký những thỏa thuận dễ dãi.

Tuy nhiên, Trung Quốc không nên lao vào một cuộc chiến về chuẩn mực với EU, ít nhất là vào lúc này.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bị quấy rầy bởi những lời chỉ trích từ bên ngoài và đã quyết định xây dựng một hình ảnh thân thiện và được lòng công chúng hơn trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, họ cũng nên nhận thức được rằng điều này đòi hỏi kỹ năng và thời gian, có thể là hàng thập kỷ, để có thể thực hiện được những thay đổi đó. Ngay cả khi thay đổi được thì sự cải thiện này cũng chỉ có thể xoa dịu, chứ không xóa bỏ được những chỉ trích.

Các lãnh đạo Trung Quốc không nên mơ về một thế giới mà ở đó các nước khác sẽ phải nịnh nọt họ để hưởng lợi, giống như điều mà các hoàng đế Trung Hoa từng được hưởng. Họ nên khôn ngoan học cách sống chung với những lời chỉ trích quốc tế, trong đó có của châu Âu.

Trong khi đó, giới hoạch định chính sách Trung Quốc nên làm những điều có thể, kể cả những điều nhỏ bé nhất, để giành lại được trái tim và thiện cảm từ bên ngoài.

Thứ ba, Trung Quốc đã không thể phát triển một chính sách ngoại giao tinh vi hơn với EU. Trung Quốc đã thay đổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ trong những thập kỷ qua.

Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh không có một ý tưởng rõ ràng về sức ảnh hưởng và mối đe dọa tiềm tàng của mình với những nước khác, và vì vậy đã hành động một cách chậm chạp để đáp ứng những thay đổi.

Trong trường hợp về mối quan hệ với EU, Trung Quốc vẫn một mực tuyên bố rằng mục tiêu của họ vẫn là thiết lập một mối quan hệ đối tác mang tính hợp tác sâu rộng với EU, bất chấp sự thay đổi nhận thức của EU về Trung Quốc.

Trung Quốc hành xử như một con đà điểu vùi đầu xuống cát, từ chối thay đổi quan điểm và chính sách không thực tế của mình về EU, đồng thời không nhận ra được những bất đồng nghiêm trọng giữa 2 bên.

Đáng tiếc, những bất đồng này sẽ chẳng biến mất trước sự phớt lờ của Trung Quốc. Thay vào đó, chúng sẽ tích tụ và cuối cùng sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.

Thêm vào đó, mặc dù Bắc Kinh nhận ra rằng họ có sức mạnh lớn hơn để bảo vệ những lợi ích ngày càng lớn của mình, thì những quan ngại quốc tế về cách họ áp dụng để sức mạnh đó đang tiếp tục gia tăng.

Những năm gần đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã liên tục kêu gọi người dân tự tin hơn vào đất nước của mình và kêu gọi các nhà ngoại giao thể hiện “tinh thần chiến đấu” hơn.

Tuy nhiên, sự tự tin kiểu này trong một số trường hợp đang ngày càng giống với kiêu ngạo hơn, trong khi “tinh thần chiến đấu” đang trở thành các giọng điệu thù địch và cạnh tranh.

Trong bối cảnh này, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang trở thành “những chiến lang” và sự lắng nghe, thấu hiểu, hay thỏa hiệp đang bị coi là dửng dưng và hèn nhát. Mối quan hệ Trung Quốc-EU là một trong những nạn nhân của chính sách ngoại giao này.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang kích động các bộ trưởng ngoại giao châu Âu, và điều này chỉ càng làm cho hình ảnh Trung Quốc trong mắt công chúng và giới hoạch định chính sách châu Âu thêm xấu đi.

Công bằng mà nói, Trung Quốc không phải bên duy nhất có lỗi trong việc làm cho mối quan hệ Trung Quốc-EU xấu đi. Tuy nhiên, sự bất cẩn và vụng về trong chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu rõ ràng đang góp phần cho sự tuột dốc này.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu phát triển đầy tham vọng cho năm 2035, phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia hiện đại vào thời điểm đó.

Đối với Trung Quốc, không có gì quan trọng hơn là đạt được những mục tiêu này. Trung Quốc đã học được rất nhiều điều từ EU trong 40 năm cải cách và mở cửa vừa qua, và họ vẫn có thể làm được như vậy trong những thập kỷ tiếp theo.

Trung Quốc nên cư xử với EU như một nhân tố quan trọng, một đối tác có thể tạo ra sức ảnh hưởng quan trọng đối với các lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh phải tỏ ra kiên nhẫn hơn và đặt các vấn đề sang một bên để từ từ giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục