Trung Bộ và Nam Bộ chủ động ứng phó bão có khả năng vào biển Đông

Quảng Bình đến Cà Mau chủ động ứng phó bão có khả năng vào biển Đông

Dự báo, trong 1-2 ngày tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; khoảng ngày 16-17/12, bão đi vào khu vực phía Nam Biển Đông trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021.
Quảng Bình đến Cà Mau chủ động ứng phó bão có khả năng vào biển Đông ảnh 1Tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu trú bão. Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ngày 12/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 594/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau về việc chủ động phương án ứng phó bão có khả năng đi vào biển Đông.

Theo tin nhận định sớm và ban đầu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về khả năng xuất hiện bão trên biển Đông tại văn bản số 735/DBQG-DBTT ngày 12/12/2021; hiện nay, trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới, cách bờ biển phía Nam Philippines khoảng 2000km về phía Đông.

Dự báo, trong 1-2 ngày tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão; khoảng ngày 16-17/12, bão đi vào khu vực phía Nam Biển Đông trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021, ảnh hưởng đến khu vực giữa và Nam biển Đông; ngày 19-20/12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh, thành phố Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

[Áp thấp nhiệt đới đi vào Khánh Hòa-Bình Thuận, gây mưa dông sóng lớn]

Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, nhất là các tỉnh vừa chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả; đồng thời rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động khai thác trên biển, ven biển để đảm bảo an toàn.

Các địa phương nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục