Quảng Ninh đẩy mạnh nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm nhằm tâng tầm thương hiệu cũng như tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP.
Quảng Ninh đẩy mạnh nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP ảnh 1Trà hoa vàng, sản phẩm OCOP của huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh được bày bán tại hội chợ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phát triển, nâng tầm các sản phẩm OCOP nhằm mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ đặc sản Quảng Ninh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (gồm 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ), với 334 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, 244 sản phẩm đạt 3 sao, 87 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao.

Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước đón nhận.

Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều chương trình kết nối tiêu thụ, tuần xúc tiến, hội chợ, triển lãm, qua đó, giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đến nay có 54 sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Go!, MM Mega Market, Aloha, Winmart, Winmart+...; nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

[Bà Rịa-Vũng Tàu khai trương gian hàng OCOP và đặc sản đầu tiên]

Hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được đẩy mạnh. Giai đoạn 2017-2022 tỉnh đã tổ chức 16 lượt hội chợ OCOP cấp tỉnh; 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại khu tập trung đông dân cư thuộc 13 địa phương trong tỉnh.

Riêng năm 2022, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19, tỉnh tổ chức 3 hội chợ OCOP, quy mô trung bình trên 450 gian hàng. Tại hội chợ, tỉnh dành riêng khu thương mại điện tử và giải pháp số, giới thiệu quảng bá sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Lazada, Tiki và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các gian hàng để giới thiệu, tư vấn trực tiếp cho đơn vị, doanh nghiệp hộ kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử. Nhờ đó đến nay có 385 sản phẩm OCOP tỉnh được đưa lên các sàn Postmart.vn, Voso.vn, Sendo, Tiki.

Các hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường nước ngoài tiếp tục được tỉnh thực hiện với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo”

Các chương trình xúc tiến OCOP tại Hội chợ Thương mại ASEAN-Trung Quốc; Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt Nam Trung Quốc; mở rộng xúc tiến vào các thị trường Lào, Campuchia, Thái Lan... được thực hiện hiệu quả, tăng sức hút của sản phẩm OCOP Quảng Ninh với thị trường ngoài nước.

Sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường.

Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP, nhiều tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại chất lượng, mẫu mã đẹp cho sản phẩm.

Điển hình như Công ty Cổ phần Dược liệu Đông Bắc (thành phố Cẩm Phả) đã tiếp nhận 12 quy trình công nghệ về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế biến sản phẩm của 3 loài cây dược liệu hoài sơn, giảo cổ lam, ba kích từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu, Bộ Y tế).

Năm 2020, Công ty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn. Các trang thiết bị kỹ thuật, máy móc được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Thời gian tới Công ty tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, mẫu mã, đầu tư thêm máy móc, dây chuyền sản xuất.

Cuối năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh triển khai ứng dụng mã QR Code đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, OCOP trên địa bàn tỉnh. Chỉ cần quét mã bằng điện thoại khi mua sản phẩm, người tiêu dùng nắm được đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất, ngày giờ cung ứng sản phẩm ra thị trường, độ an toàn.

Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh được dán tem truy xuất nguồn gốc, như Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, Chè Hằng Nga, Vịt trời Hải Hà, Nấm kim châm Đông Triều, Miến dong Bình Liêu, Nước khoáng Quang Hanh, Chè hoa vàng Quy Hoa.

Hằng năm tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tỉnh hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh trên phạm vi cả nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục