Quảng Ninh: Doanh nghiệp tàu du lịch điêu đứng trong mùa dịch

Hàng trăm doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch ở Quảng Ninh điêu đứng, thậm chí phải làm đơn "cầu cứu" đến Thủ tướng Chính phủ mong có cơ chế để cơ cấu lại, giãn, hoãn nợ gốc và lãi...
Dù tàu neo tại chỗ nhưng mỗi một tháng các doanh nghiệp phải chi trả hàng chục triệu đồng cho lao động và các chi phí khác. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Dù tàu neo tại chỗ nhưng mỗi một tháng các doanh nghiệp phải chi trả hàng chục triệu đồng cho lao động và các chi phí khác. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Trong thời gian qua, chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ tàu du lịch ở Quảng Ninh đã liên tục gặp khó khăn do những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt kể từ khi làn sóng dịch thứ ba tấn công vào Việt Nam.

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long gần như bị ngừng hoặc rất ít tàu đón rải rác lượng khách nội địa.

Tuy nhiên, điều khó khăn lại không hoàn toàn nằm ở tình trạng không có khách, mà ở những doanh thu phát sinh từ những con tàu đang neo đậu trong bến hàng tháng trời không ra khơi chở khách, trong đó có tiền lãi và gốc ngân hàng phải trả định kỳ khiến các chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản.

Chi phí phát sinh khi ngừng hoạt động

Ông Bùi Công Hoan, Phó Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát cho biết, tàu du lịch là một ngành đặc thù nên dù không đón khách vẫn phát sinh nhiều chi phí.

Vào mùa du lịch có trên 6.000 lao động làm việc trên các tàu nhưng khi dừng hoạt động vẫn còn khoảng 3.000 lao động làm việc và doanh nghiệp phải chi trả nhân công trong khi không có nguồn thu.

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các tàu buộc phải neo tại chỗ nhưng lại “đẻ” ra nhiều khoản chi phí. Tàu du lịch không có khách, không vận hành nhưng mỗi tháng, doanh nghiệp vẫn phải chi trả hàng chục triệu đồng để duy trì tình trạng đỗ tại bến tàu du lịch.

Chị Đỗ Thị Nga, hộ kinh doanh cá thể tàu du lịch đã vay ngân hàng 4,5 tỷ đồng hơn 4 năm nay bật khóc khi nói về những khó khăn trong thời gian này.

Chị Nga cho biết, vợ chồng chị vay mượn đầu tư 2 tàu du lịch, hơn 18 tháng nay tàu không hoạt động nhưng đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng không thể lùi được nên gia đình phải vay 136 triệu đồng từ "tín dụng đen" để trả lãi ngân hàng...

[Kiểm soát dịch ở Quảng Ninh: Trên chỉ đạo một đằng, dưới làm một nẻo]

Hiện chị vẫn phải duy trì 4 người để bảo vệ, quản lý, bảo dưỡng tàu, mỗi tháng chi phí cho nhân công là hơn 20 triệu đồng chưa kể các khoản phí đăng ký, đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, thuế, bảo hiểm hành khách, bảo hiểm thân vỏ...

Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và du lịch Hoàng Phương cho biết, công ty có 3 tàu du lịch 5 sao. Hiện, công ty có dư nợ trên 60 tỷ đồng, trong thời gian nghỉ dịch các tàu neo tại cảng nhưng vẫn cần đội ngũ nhân viên ở lại để bảo dưỡng máy, tài sản, xử lý khi có mưa bão…

Hiện nay, trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có 533 tàu được cấp phép hoạt động du lịch (trong đó: 331 tàu tham quan với tổng số ghế là 15.619 ghế và 202 tàu lưu trú với tổng số giường là 4.159).

Hoạt động của đội tàu du lịch trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và cũng đã có quan tâm trong công tác chỉnh trang, đổi mới thiết kế hình thức tàu, các loại hình dịch vụ và phục vụ du khách chất lượng ngày một nâng cao, tốt hơn.

Chủ động vượt "bão"

Để ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau mỗi lần đại dịch được kiểm soát, Quảng Ninh lại tổ chức hàng trăm sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại hấp dẫn, đặc sắc nhằm thu hút du khách nội địa đến với những điểm đến du lịch của tỉnh.

Để đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững địa bàn an toàn, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, ngay từ cuối năm 2020, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Chỉ tính riêng trong quý 3 năm 2020, đã có 64 sự kiện được tổ chức.

Năm 2020, ngành du lịch Quảng Ninh đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 một cách ngoạn mục, tăng tốc thần tốc trong 3 tháng cuối năm, cán mốc thành công với tổng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2020 đạt 8,8 triệu lượt.

Tổng thu từ du lịch của tỉnh ước đạt trên 17.000 tỷ đồng; giá trị tăng thêm từ thu của khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt trên 11.000 tỷ đồng; đóng góp 5,19% vào thu ngân sách trên địa bàn.

Vào đầu năm 2021, sau khi đã kiểm soát được làn sóng dịch COVID-19 thứ ba, Quảng Ninh chính thức mở cửa đón khách nội địa trở lại từ ngày 11/3. Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 88 sự kiện, hoạt động, chương trình kích cầu du lịch, trong đó có 35 hoạt động, sự kiện quy mô cấp tỉnh, 53 hoạt động, sự kiện quy mô cấp địa phương. Các hoạt động được tổ chức trong điều kiện an toàn về dịch, chú trọng công tác phòng chống dịch COVID-19.

Năm 2021 du lịch Quảng Ninh tiếp tục lấy du lịch nội địa làm nội lực duy trì hoạt động của ngành, phát huy liên minh, liên kết giữa Quảng Ninh và các địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn toàn quốc với phương châm “Liên kết, Hành động và Phát triển.”

"Ngấm" đòn từ dịch bệnh

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong những tháng 5 và 6 diễn biến phức tạp hơn nhiều so với các làn sóng dịch trước đó, khiến nhiều chủ doanh nghiệp, chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đang kiệt quệ từng ngày do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Quảng Ninh: Doanh nghiệp tàu du lịch điêu đứng trong mùa dịch ảnh 1Đội tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh nằm bờ đã nhiều tháng không có khách. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các tàu buộc phải neo tại chỗ nhưng lại “đẻ” ra nhiều khoản chi phí. Nhiều chủ tàu, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, bị chuyển từ nhóm khách hàng tiềm năng của các ngân hàng sang nhóm nợ xấu vì không thể trả nợ.

Nhất là đối với những doanh nghiệp dư nợ lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng trong mùa dịch không thể xoay sở để tất toán.

Các chủ tàu thông tin, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, họ được tổ chức tín dụng áp dụng hỗ trợ lãi suất theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp điêu đứng nên với quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ trước phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021, các doanh nghiệp sẽ không thực hiện được.

Trước lời "kêu cứu" của các chủ tàu, ngày 15/6, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Chi hội tàu du lịch Hạ Long tổ chức gặp gỡ nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phần nào tháo gỡ cho khăn cho doanh nghiệp tàu du lịch.

Ông Bùi Công Hoan kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể là giảm lãi suất cho vay, mặt khác sau ngày 31/12/2021, các doanh nghiệp sẽ được gia hạn thời gian trả lãi, gốc, hợp đồng cho vay vốn.

Xa hơn nữa, khi Chính phủ công bố hết dịch, các ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp tiếp tục gia hạn thêm thời gian vay từ 2 năm trở lên để họ phục hồi sản xuất kinh doanh, có tích lũy và trả nợ ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, các tổ chức tín dụng thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Đối với kiến nghị của doanh nghiệp, đơn vị sẽ gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành để cho ý kiến. Ông Đoan chỉ ra nút thắt từ Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Ông Nguyễn Văn Đoan cho rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, do vậy, với thời gian trả nợ quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN đến cuối năm 2021 sẽ khiến các doanh nghiệp rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đoan mong muốn, Chính phủ có chính sách dài hơi hơn và đồng bộ không chỉ riêng cho tàu du lịch mà cho nhiều ngành, nghề để "cứu" doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Còn ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó ngành du lịch bị tác động nhiều nhất.

Ngành tàu du lịch chịu ảnh hưởng sâu hơn do những chi phí vẫn phát sinh khi phương tiện nằm tại chỗ. Ông Trịnh Đăng Thanh hy vọng sẽ có cơ chế để "cứu" doanh nghiệp nói chung, các tàu du lịch Hạ Long nói riêng vì đây là điểm nhấn du lịch của Quảng Ninh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục