Quảng Ninh đưa chế biến, chế tạo thành trụ cột của ngành công nghiệp

Quảng Ninh nhất trí xác định phải đạt được ba đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, rong đó có đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến.
Quảng Ninh đưa chế biến, chế tạo thành trụ cột của ngành công nghiệp ảnh 1Sấy chanh tẩm mật ong để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh minh họa. Minh Hưng/TTXVN)

Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bởi địa phương này có hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc kết nối thông suốt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đặc biệt là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín.

Vì vậy, ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV đã ra quyết sách mới với quyết tâm đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong ba trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh này.

Hai trụ cột khác của ngành công nghiệp Quảng Ninh gồm khai thác khoáng sản, nhất là khai thác than; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã nhất trí xác định phải đạt được ba đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đột phá về tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP - tổng sản phẩm trên địa bàn và thu ngân sách địa phương (phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ trọng trong GRDP của tỉnh là 15%; đến năm 2030 đạt 20%); đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu; trong đó đặc biệt chú ý đến bốn giải pháp cốt lõi gồm quy hoạch mặt bằng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện…

Theo thống kê, nếu năm 2010 Quảng Ninh mới có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo thì đến năm 2020 đã tăng lên thành 841 doanh nghiệp, chiếm gần 82% số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 đạt gần 69.000 tỷ đồng, chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, chiếm gần 29% tổng vốn toàn ngành công nghiệp.

Như vậy, vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân gần 6.900 tỷ đồng/năm; trong đó giai đoạn 2012-2014 vốn đầu tư tăng mạnh nhất, trung bình đạt 9.100 tỷ đồng/năm, đây cũng là giai đoạn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quảng Ninh bắt đầu có bước chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ.

[Xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm phát triển năng động ở phía Bắc]

Không chỉ vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tham gia giải quyết công ăn việc làm cho trên 54.000 lao động mỗi năm; trong đó các doanh nghiệp dệt thu hút 11.678 lao động; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 8.134 lao động; chế biến thực phẩm 2.133 lao động; khoáng phi kim loại 11.839 lao động...

Mặc dù dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu, song Quảng Ninh lại phát đi tín hiệu vui khi cuối tháng Chín vừa qua, tỉnh đã tổ chức động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng tại khu công nghiệp Việt Hưng (thành phố Hạ Long) do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ động thổ này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh trong việc chủ động thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án thể hiện tầm nhìn, cách bài bản vào lĩnh vực ôtô nói chung; trong đó, có công nghiệp phụ trợ ôtô. Tập đoàn Thành công với vai trò đầu tàu trong chuỗi giá trị đã chủ động phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia chuỗi giá trị để phát triển.

Việc triển khai Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công-Việt Hưng có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; góp phần vào thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế theo hướng bền vững mà Quảng Ninh đang định hướng tập trung phát triển trong giai đoạn 2020-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục