Quốc hội Mỹ nhất trí chấm dứt can dự vào cuộc chiến tại Yemen

Nghị quyết của hạ viện, với tỷ lệ 247 phiếu thuận và 175 phiếu chống, yêu cầu Tổng thống rút các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi chiến sự tại Yemen hoặc tác động tới Yemen, trong vòng 30 ngày.
Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen giao tranh với phiến quân Houthi tại khu vực ngoại ô Hodeidah. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen giao tranh với phiến quân Houthi tại khu vực ngoại ô Hodeidah. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết chấm dứt sự hỗ trợ quân sự của Washington cho cuộc chiến do liên quân Arab, dẫn đầu là Saudi Arabia, tiến hành tại Yemen.

Nghị quyết của hạ viện, với tỷ lệ 247 phiếu thuận và 175 phiếu chống, yêu cầu Tổng thống "rút các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi chiến sự tại Cộng hòa Yemen hoặc tác động tới Yemen, trong vòng 30 ngày."

Nghị quyết trên, được Thượng viện thông qua hồi tháng trước, hiện đã được trình lên Tổng thống Donald Trump, người được cho sẽ phủ quyết văn bản.

Nhà Trắng cho rằng biện pháp trên "là sai lầm" và cảnh báo việc này sẽ gây tổn hại tới các mối quan hệ song phương tại khu vực, trong đó có quan hệ với Saudi Arabia.

Tuy nhiên, đây được coi là một bước đi lịch sử nhằm hạn chế quyền tiến hành chiến tranh của tổng thống. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một biện pháp viện dẫn nghị quyết Các quyền thời chiến 1973 được chuyển lên tổng thống ký ban hành.

Các nghị sỹ Dân chủ cho rằng sự tham gia của Mỹ vào liên minh Arab tại Yemen - chủ yếu thông qua việc cung cấp vũ khí và tiếp nhiên liệu cho máy bay, là vi hiến vì không được quốc hội phê chuẩn. Một số nghị sỹ, như Thượng nghị sỹ tự do Bernie Sanders, đã mất nhiều năm để đề nghị cơ quan lập pháp có tiếng nói trong các vấn đề chiến tranh và hòa bình.

[Yemen: Giao tranh tái diễn tại thành phố cảng Hodeidah]

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu trên, Thượng nghị sỹ Sanders, một trong các tác giả của nghị quyết về Yemen và cũng là một ứng cử viên tổng thống năm 2020, cho rằng đã đến lúc Washington nên chuyển trọng tâm từ can thiệp quân sự sang hỗ trợ nhân đạo tại Yemen.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel nhấn mạnh: "Tổng thống sẽ phải đối mặt với một thực tế là quốc hội sẽ không tiếp tục phớt lờ các vi phạm hiến pháp liên quan đến chính sách đối ngoại."

16 nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện đã ủng hộ phe Dân chủ thách thức Tổng thống Trump trong vấn đề Yemen. Những người chỉ trích sự can thiệp quân sự tại Yemen cảnh báo rằng các lực lượng Saudi Arabia có thể lợi dụng vũ khí của Mỹ để tiến hành những hành động tàn bạo trong cuộc chiến kéo dài bốn năm qua.

Cuộc chiến tại Yemen đã trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với ước tính 14 triệu người có nguy cơ bị đói. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ít nhất 10.000 người đã thiệt mạng do cuộc chiến tại Yemen, song các nhóm nhân quyền cho rằng con số thực tế còn cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục