Quy chế hoạt động BCĐ tổng kết việc thực hiện NQ TW về kinh tế tập thể

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định thành lập Tổ Biên tập nhằm giúp Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch tổng kết Nghị quyết TƯ khóa IX.
Quy chế hoạt động BCĐ tổng kết việc thực hiện NQ TW về kinh tế tập thể ảnh 1Nông dân xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng thu hoạch nho đen. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, vừa ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Ban Chỉ đạo) được thành lập theo Quyết định số 887/QĐ-TTg ngày 7/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết 13-NQ/TW).

Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và các nhiệm vụ do Trưởng ban Chỉ đạo phân công.

Thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; giúp việc cho Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo là Tổ Biên tập và Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (trên cơ sở sử dụng bộ máy của Cục Phát triển Hợp tác xã-Bộ Kế hoạch và Đầu tư và công chức kiêm nhiệm, biệt phái của các bộ, cơ quan khác có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo).

Các Phó Trưởng ban Chỉ đạo và các Ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của bộ, ngành, cơ quan mình trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm được giao.

[Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể]

Quy chế quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân các thành viên Ban Chỉ đạo.

Các nội dung, hoạt động quan trọng của Ban Chỉ đạo được quyết định tại Phiên họp thường kỳ hoặc đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng ban Chỉ đạo khi được ủy quyền.

Trường hợp không tổ chức được cuộc họp, có thể thông báo và lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo bằng văn bản.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ký quyết định thành lập Tổ Biên tập giúp việc Ban Chỉ đạo này. Theo đó, Tổ trưởng Tổ Biên tập là ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Ủy viên Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tổ phó Tổ Biên tập gồm: ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp-Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, Thành viên Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành viên Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; bà Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng ban Ban Chính sách hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Thành viên Văn phòng đổi mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thành viên Tổ Biên tập gồm: Trưởng phòng chuyên trách Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thư ký Tổ biên tập) và các thành viên Văn phòng đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tổ Biên tập có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai nghiên cứu các chuyên đề tổng kết Nghị quyết; giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và hoàn chỉnh báo cáo và tài liệu phục vụ Hội nghị toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (vào quý 4 năm 2021) và những hội nghị, hội thảo, tọa đàm có liên quan; giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết mới báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (vào quý 1 năm 2022)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục