Quy định bao bì của EU làm khó các doanh nghiệp thực phẩm Thụy Sĩ

Liên minh châu Âu (EU) vừa ra yêu cầu từ ngày 13/12 tới đây toàn bộ các thực phẩm được đóng gói ở Thụy Sĩ phải kèm theo địa chỉ của một nhà bán hàng hoặc sản xuất EU.
Quy định bao bì của EU làm khó các doanh nghiệp thực phẩm Thụy Sĩ ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Sandstein)

Liên minh châu Âu (EU) vừa ra yêu cầu từ ngày 13/12 tới đây toàn bộ các thực phẩm được đóng gói ở Thụy Sĩ phải kèm theo địa chỉ của một nhà bán hàng hoặc sản xuất EU. Tuy nhiên, nhiều chi tiết của quy định vẫn chưa rõ ràng cho dù chỉ còn chưa đến một tuần nữa là đến ngày thực hiện.

Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ đã liên lạc với EU nhằm có được những giải pháp ngăn chặn tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Thụy Sĩ.

Phía EU nói rằng mục đích của quy định này là một bước nhằm bảo vệ người tiêu dùng, trong khi EU cũng đang thúc đẩy một hiệp ước mở rộng bao trùm các ngành thực phẩm.

Phát ngôn viên của SECO cho biết Thụy Sĩ đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp tạm thời và một phần của vấn đề ở chỗ chi tiết của việc thực hiện vẫn còn mở, gây ra bất ổn về mặt pháp lý.

Theo Lorenz Hirt từ Tổ chức bảo vệ ngành thực phẩm FIAL, các công ty Thụy Sĩ hiện giờ vẫn chưa biết liệu họ sẽ phải đợi hay phải làm điều gì đó.

Cụ thể, có hai khả năng mở ra cho các công ty Thụy Sĩ để tuân thủ quy định này của EU. Họ có thể hoặc là hợp tác với một nhà cung cấp dịch vụ trong EU, hoặc họ có thể mở chi nhánh ở EU. Nếu EU áp dụng quy định trên một cách chặt chẽ, sẽ rất khó cho các công ty Thụy Sĩ chưa có kế hoạch hành động.

Việc mở chi nhánh ở EU cũng phải tốn kém ít nhất vài ngàn franc. Lorenz Hirt tin rằng rất có thể những hàng hóa dán nhãn bao bì đóng gói sản phẩm không hợp lệ sẽ không thể qua được biên giới EU, hoặc những sản phẩm đó phải đưa ra khỏi các kệ bày bán sản phẩm trong siêu thị.

Trong các cuộc đàm phán, SECO đã nêu bật tính thực tế về những bất lợi của quy định đối với các công ty Thụy Sĩ trong việc cạnh tranh với các công ty của EU. Tuy nhiên vì Thụy Sĩ không phải là một thành viên của EU, nên chỉ có thể yêu cầu đối xử bình đẳng theo thỏa thuận song phương. SECO cho biết hiện Thụy Sĩ vẫn bị coi như là một quốc gia thứ ba.

Cả SECO cũng như FIAL đều chưa thể thống kê rõ sẽ có bao nhiêu công ty Thụy Sĩ bị ảnh hưởng do quy định này, song chắc chắn bị tác động lớn nhất chính là những công ty vừa và nhỏ của Thụy Sĩ mà chưa có bất kỳ cơ sở hạ tầng nào tại EU, trong khi có một số lượng hàng xuất khẩu nhất định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục