Tiến trình điều tra nguyên nhân vụ tại nạn máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) sẽ được đẩy nhanh sau khi một hộp đen của máy bay được tìm thấy dưới đáy biển ngày 1/11, tức ba ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn.
Theo cơ quan chức năng Indonesia, hộp đen tìm thấy được xác định là thiết bị lưu lại dữ liệu chuyến bay và sẽ được chuyển giao cho Ủy ban an toàn giao thông Indonesia (KNKT).
Người đứng đầu KNKT cho biết có thể mất ba tuần để tải toàn bộ dữ liệu từ hộp đen này và quá trình phân tích dữ liệu cần tới sáu tháng.
Việc tìm thấy hộp đen mở ra hy vọng làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này. Hiện hộp đen ghi âm giọng nói trong buồng lái vẫn chưa được tìm thấy.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Indonesia, ông Budi Karya Sumadi ngày 1/11 thông báo Bộ này đã quyết định đình chỉ công tác của giám đốc phụ trách bảo trì và kỹ thuật cùng người quản lý bảo trì máy bay của Lion Air trong 120 ngày, đồng thời thả người trực tiếp cấp phép bay cho chuyến bay JT 610.
[Rơi máy bay tại Indonesia: Hộp đen vẫn trong tình trạng nguyên vẹn]
Trong thời gian tới, Lion Air sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng Indonesia với tần suất kiểm tra lên tới 40% số chuyến bay, thay vì 10-15% đối với các hãng hàng không khác.
Ông Sumadi cho biết Jakarta đang xem xét lại khung cước phí máy bay và có thể tăng giá vé máy bay hiện do các hãng hàng không giá rẻ đặt ra. Ông Sumadi nói thêm rằng Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh đánh giá lại tất cả các quy định về an toàn bay sau vụ tai nạn máy bay này.
Chuyến bay số hiệu JT 610 khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta đi thị trấn Pangkal Pinang lúc 6 giờ 20 sáng 29/10, nhưng đã bị mất tín hiệu 13 phút sau khi cất cánh và rơi xuống biển. Ít hy vọng có người sống sót trong số 189 người trên máy bay, và các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy nhiều phần thi thể các nạn nhân.
Vụ việc này là tai nạn đầu tiên đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX, phiên bản mới được nâng cấp, tiết kiệm nhiên liệu hơn của dòng máy bay một lối đi của hãng Boeing; đồng thời là sự cố hàng không tồi tệ nhất của Indonesia kể từ vụ tai nạn máy bay năm 1997 ở gần Medan làm 234 người thiệt mạng.
Theo báo cáo của Lion Air, chiếc máy bay Boeing MAX 8 gặp nạn nói trên bắt đầu được đưa vào sử dụng hồi tháng 8/2018. Trong chuyến bay trước đó vào ngày 28/10, máy bay này đã gặp sự cố với hệ thống cảm biến được dùng để tính toán tốc độ và độ cao của máy bay.
Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait đã nhận được báo cáo về các vấn đề kỹ thuật của chiếc máy bay này, song cho biết công tác bảo trì đã được tiến hành theo đúng trình tự.
Đại diện của Lion Air ra tuyên bố bảo đảm máy bay đủ điều kiện an toàn khi thực hiện chuyến bay vào sáng 29/10, trong khi cơ trưởng và cơ phó điều khiển máy bay đều có kinh nghiệm trên 11.000 giờ bay./.