Smartphone sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp nội dung số “bứt tốc”

Theo các chuyên gia, smartphone chính là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp nội dung số nắm bắt thị trường trong tương lai.
Smartphone sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp nội dung số “bứt tốc” ảnh 1Ông Lê Hồng Minh, CEO của VNG chia sẻ tầm nhìn về Mobile. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của hạ tầng Internet băng rộng di động, số lượng người dùng smartphone đã tăng đáng kể. Và, theo các chuyên gia, đây chính là mảnh đất hứa với các doanh nghiệp dung số trong tương lai.

Cơ hội từ smartphone

Phát biểu trong khuôn khổ sự kiện Internet Day cho Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 21/12, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, một công ty Internet hàng đầu Việt Nam cho hay, trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Internet, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Internet sẽ thay đổi toàn bộ. Các sản phẩm nội dung số sẽ có mặt mọi nơi.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, năm 2016, các nhà mạng được cấp phép 4G và bắt đầu triển khai. Việc này sẽ tạo ra xa lộ thông tin để phát triển mạnh nội dung số, dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet.

Đưa ra phân tích sâu, ông Minh cho biết mấu chốt của việc bùng nổ này nằm ở smartphone. Tổng hợp của VNG cho thấy, nếu như năm 2010, số lượng người dùng smartphone ở Việt Nam còn thấp thì tới 2016, con số này vào khoảng 30 triệu và tới 2020 sẽ là khoảng 60 triệu người dùng, trong khi lượng người dùng máy tính vào Internet sẽ vào khoảng 15 triệu.

Theo ông Minh, di động có tính cá nhân hóa cao, người dùng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi với thời lượng cao (2-3 giờ/ngày). Trong khi đó, việc truy cập Internet bằng máy tính có những hạn chế nhất định khi người dùng phải ngồi một chỗ.

CEO của VNG cũng cho biết, với doanh nghiệp này, Internet chính là Mobile chứ không còn là màn hình thứ 2 bên cạnh màn hình PC như thời gian trước. Và, điều này cũng tương tự như việc người dùng chuyển từ tivi đen trắng sang tivi màu. Do đó, cơ hội cho thị trường Mobile Internet gấp rất nhiều lần so với thị trường PC.

Lấy ví dụ trong ngành game, ông Minh cho thấy tốc độ từ năm 2013 tới nay, PC Game liên tục giảm và dự báo xu hướng này còn tiếp tục tới 2020 với tốc độ -12%/năm. Ngược lại, thị trường mobile game đang tăng, đặc biệt phát tiển mạnh trong giai đoạn 2016-2020 với tốc độ 40%/năm.

Trong khi đó, tới năm 2020, mảng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến sẽ tăng trưởng mạnh nhưng tốc độ mua qua PC cũng sẽ không đạt tăng trưởng như qua moblie…. Hoặc, với các mô hình mới, tính tới 2016, sau hai năm hoạt động, số lượng xe của Uber và Grab đã vượt qua nhiều hãng taxi truyền thống.

Trong khi đó, ông Chung Trinh, đại diện Google trình bày trong báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2016 cho hay, số lượng dùng thiết bị di động hiện nay gấp 2 lần số lượng dùng máy tính và thâm nhập vào mọi mặt của đời sống.

Bên cạnh thị trường Việt, với Internet, cơ hội tiếp cận các thị trường nước ngoài là không giới hạn. Ông Minh cũng đưa ra bằng chứng về một số game mobile của Việt Nam đang được đánh giá cao từ các chợ ứng dụng lớn của Apple như Politaire (của Pine Entertainment)…

Thách thức

Bên cạnh cơ hội, thách thức trong ngành nội dung số là không nhỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, đòi hỏi start-up trong lĩnh vực này phải có sự sáng tạo độc đáo trong các sản phẩm nếu muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

CEO Lê Hồng Minh thì cho rằng, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp nói chung là nguồn lực. Đó chính là việc số lượng các quỹ đầu tư, công ty đầu tư vào start-up tại Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có nhiều bạn trẻ giỏi về công nghệ thông tin nhưng số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu và quy mô của ngành đang đặt ra.

Ở khía cạnh khác, ông Minh cho rằng hiện Chính phủ rất quan tâm tới việc phát triển công nghệ thông tin, Internet. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong mức độ quan tâm ấy được các cấp bộ, ngành chuyển thành những quy định cụ thể một cách nhanh chóng để thúc đẩy ngành phát triển.

Smartphone sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp nội dung số “bứt tốc” ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Viettel)

Nói riêng về thách thức của VNG, ông Minh cho hay với doanh nghiệp này có hai thách thức lớn. Đó là việc VNG đang đầu tư mạnh ra thị trường lân cận Việt Nam, do đó, thách thức sẽ là con người-những người hiểu nhu cầu dùng Internet của các thị trường quốc tế để phát triển sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, VNG sẽ phát triển các sản phẩm Internet đi sâu vào đời sống. Nếu như trong bốn năm qua, VNG phát triển mạnh mẽ Zalo thì tới 2017, đơn vị này sẽ phát triển thêm nhóm sản phẩm mới liên quan tới thanh toán điện tử. Điều này đỏi hỏi VNG phải học hỏi nhiều thứ từ đầu vì nhiều thứ đơn vị này chưa biết…

Theo các chuyên gia, cơ hội trên Internet là thực tế chứ không còn là tiềm năng. Bởi vậy, từng cá nhân, doanh nghiệp phải nhìn thấy cơ hội và nắm bắt. Bên cạnh đó, với thị trường, việc quan trọng nhất không phải là sản phẩm đầu tiên hay cuối cùng mà chính là chất lượng của dịch vụ, sản phẩm đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục