Số ca nhiễm ở Hàn Quốc có dấu hiệu tăng trở lại sau nới lỏng giãn cách

Theo KDCA, số ca mắc mới hằng ngày ở Hàn Quốc đã một lần nữa vượt ngưỡng 2.000 ca sau khi nước này chính thức thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/11 vừa qua.
Số ca nhiễm ở Hàn Quốc có dấu hiệu tăng trở lại sau nới lỏng giãn cách ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 4/11. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Dư luận Hàn Quốc ngày càng lo ngại về sự gia tăng trở lại số ca mắc mới COVID-19 ở ngưỡng trên 2.000 ca/ngày sau khi chính phủ nước này triển khai thực hiện chiến lược "Sống chung với COVID-19."

Thậm chí, những người đã được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cũng lo lắng khi các ca nhiễm mới biến thể của virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng và đặc biệt vẫn rơi vào những người đã tiêm chủng đầy đủ.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc mới hằng ngày ở Hàn Quốc đã một lần nữa vượt ngưỡng 2.000 ca sau khi nước này chính thức thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/11 vừa qua.

Chỉ tính riêng ngày 4/11 vừa qua, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 2.482 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2.457 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 373.120 ca. Đây cũng là số ca lây nhiễm hằng ngày lớn thứ 4 kể từ thời điểm Hàn Quốc ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi tháng 1/2020.

Số liệu của KDCA cũng cho thấy số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng trong những tháng gần đây, từ 1.180 ca (tháng 7/2021) lên 2.764 ca (tháng Tám), 8.911 ca (tháng Chín) và 10.092 ca vào tháng 10 vừa qua.

Theo các chuyên gia y tế, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, do vậy chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản có thể thiếu giường điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19.

Chun Eun-mi, một chuyên gia về bệnh hô hấp tại Trung tâm Y tế của Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc), nhận định số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở nước này có thể lên tới khoảng từ 4.000 đến 5.000 ca.

[Hàn Quốc phát hiện hơn 100 ca mắc mới ở bệnh viện thành phố Changwon]

Trong khi đó, ngành giáo dục của Hàn Quốc cũng đang cảnh giác cao độ sau khi ghi nhận gia tăng số ca mắc COVID-19 ở thanh thiếu niên. Nước này phát hiện các ổ dịch mới tại các cơ sở giáo dục như trường học và trung tâm luyện thi tư nhân.

Hiện Bộ Giáo dục Hàn Quốc có kế hoạch tiếp tục mở các lớp học trực tiếp vào cuối tháng 11 theo kế hoạch "Sống chung với COVID-19" của chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp của chính phủ ngày 3/11 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ và an toàn Hàn Quốc Jeon Hae-cheol nhấn mạnh số ca mắc mới trong ngày 3/11 đã tăng hơn 1.000 ca so với một ngày trước đó, trong đó thanh thiếu niên chiếm hơn 24%.

Ông bày tỏ lo ngại rằng tỷ lệ người ở độ tuổi vị thành niên mắc COVID-19 sẽ còn tiếp tục tăng do tỷ lệ tiêm chủng ở lứa tuổi này vẫn còn thấp. Theo Bộ trưởng Hae-cheol, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên (từ 16-17 tuổi) từ ngày 18/10 vừa qua và tỷ lệ được tiêm chủng hiện mới chỉ đạt 46%.

Giới chức y tế Hàn Quốc đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở khu vực trường học là rất cao khi các lớp học trực tiếp tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ tiếp tục trên toàn quốc vào ngày 22/11 tới ngay sau kỳ thi đại học. Dự kiến các cơ quan chức năng Hàn Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa để giữ an toàn cho học sinh bằng cách cử thêm nhân viên kiểm dịch đến các trường học lớn và tăng cường xét nghiệm PCR tại các trường học nằm trong khu vực thủ đô Seoul.

Cơ quan y tế Hàn Quốc cũng khuyến khích các bậc phụ huynh cho con cái tham gia chương trình tiêm chủng quốc gia vì lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội so với nguy cơ bị nhiễm bệnh. Theo luật Hàn Quốc, việc tiêm phòng cho trẻ em và thiếu niên cần được sự đồng ý của cha mẹ.

Trong một diễn biến khác liên quan, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum mới đây đã khẳng định rằng quyết định của chính phủ nước này từng bước dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội không có nghĩa là đất nước đã vượt qua cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng, do đó người dân không được lơ là, mất cảnh giác.

Ông nhấn mạnh đến nay, năng lực y tế của đất nước vẫn ổn định, nhưng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đưa ra cảnh báo khi đã có tới 60% số giường tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng được sử dụng. Chính phủ sẽ tạm dừng kế hoạch "Sống chung với COVID-19" khi tỷ lệ này lên tới 75%"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục