Hòa cùng không khí kỷ niệm 69 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (9/5/1945-9/5/2014), ngày 8/5, tại các nước Nga, Pháp và Cộng hòa Séc đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm.
Ngày 8/5, một ngày trước khi nước Nga tổ chức lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng phátxít, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều thành viên chính phủ, đại diện các chính đảng, hội cựu chiến binh, các tổ chức hưu trí... đã tới đặt hoa tại Mộ Chiến sỹ vô danh, nơi có Ngọn lửa Vĩnh cửu bên bức tường Điện Kremlin, để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong các trận đánh để bảo vệ tổ quốc thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945.
Buổi lễ được tổ chức trang trọng trong tiếng nhạc quốc ca Nga hùng tráng.
Ngày 9/5, toàn thể nhân dân Liên bang Nga sẽ chính thức tiến hành lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng phátxít.
Theo kế hoạch, Nga sẽ tổ chức hơn 10.500 hoạt động, trong đó cuộc diễu binh được tổ chức tại 26 tỉnh, thành và Nga sẽ tiến hành bắn pháo hoa kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại nhiều địa phương.
Để đảm bảo trật tự-trị an trong dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt này, Bộ Nội vụ Nga đã huy động hơn 164.000 cảnh sát và 10.500 quân dã chiến trực chiến 24/24 trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga.
Cùng ngày 8/5, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới đặt vòng hoa tưởng niệm tại Mộ Chiến sỹ vô danh ở thủ đô Paris, đánh dấu lễ kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tham dự lễ tưởng niệm trên có tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls cùng các quan chức cấp cao khác.
"Ngày Chiến thắng ở châu Âu" được tổ chức hàng năm vào ngày 8/5 để đánh dấu chiến thắng năm 1945 của quân đồng minh (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Ba Lan) trước Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, khép lại một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Hoạt động kỷ niệm chiến thắng phátxít năm nay tại Pháp bị các diễn biến bất ổn tại Mali phủ bóng đen sau khi vừa có thêm một binh sỹ Pháp thiệt mạng tại đây.
Hiện có khoảng 1.000 binh lính Pháp đang tham gia các chiến dịch chống phiến quân Hồi giáo nổi dậy tại quốc gia Tây Phi này.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Prague, sự kiện trung tâm trong chuỗi họat động kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai được tổ chức tại Đài tưởng niệm quốc gia trên đồi Vitkov ở thủ đô Prague, với sự tham dự của Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman, Chủ tịch Thượng viện Milan Stech, Chủ tịch Hạ viện Jan Hamacek, Thủ tướng Bohuslav Sobotka, cùng nhiều quan chức chính phủ, quân đội, cựu chiến binh và đông đảo người dân thủ đô và du khách.
Tổng thống Zeman cùng các quan chức chính phủ, quốc hội, quân đội và các cưu chiến binh đã đặt vòng hoa tại Tượng đài Giải phóng trên đồi Vitkov, duyệt các đơn vị thuộc các quân, binh chủng quân đội Séc mang cờ hiệu diễu qua lễ đài.
Những người tham dự buổi lễ cũng đã dành một phút mặc niệm những chiến sỹ quân đội Tiệp Khắc và quốc tế đã anh dũng hy sinh trong các trận đánh để giải phóng đất nước khỏi ách phátxít.
Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, các đơn vị quân đội Tiệp Khắc đã tham gia chiến đấu trên cả hai mặt trận phía Tây và phía Đông.
Theo các số liệu thống kê khác nhau, khoảng 360.000 người Tiệp Khắc đã thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó 2/3 là người gốc Do thái.
Trò chuyện với phóng viên TTXVN tại Prague, cụ Rosteslav Kubista, 88 tuổi, cựu chiến binh Chiến tranh thế giới thứ Hai, cho biết cụ đã tham gia hai trận đánh cùng các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô để giải phóng thủ đô Prague và các thành phố khác.
Tuy hiện sức khỏe đã yếu, đi lại phải chống gậy, lại mang trên người hai vết thương ở đầu và chân từ hồi chiến tranh, song năm nào cụ Kubista cũng đến tham dự lễ kỷ niệm trên đồi Vitkov.
Cụ Kubista cho biết cụ cảm thấy rất hạnh phúc với những thành tựu mà đất nước đạt được sau chiến tranh; bày tỏ mong muốn trên thế giới sẽ không bao giờ xảy ra chiến tranh và mọi người ở tất cả các nước đều được sống trong hòa bình và phồn vinh.
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ Hai, gần 27 triệu người Xôviết, trong đó có hơn 8 triệu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc và đánh tan đội quân phátxít ở châu Âu./.