Sốt xuất huyết tại Hà Nội đã chững lại và có xu hướng giảm

Từ tháng 4 đến nay, nhờ tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã giảm so với đỉnh dịch năm 2009.
Sốt xuất huyết tại Hà Nội đã chững lại và có xu hướng giảm ảnh 1Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi, hướng dẫn cộng đồng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 24/11, tại cuộc Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ tháng 4 đến nay, nhờ tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã giảm so với đỉnh dịch năm 2009.

Đặc biệt ba, bốn tuần trở lại đây, số bệnh nhân đã giảm so với trước, khả năng bệnh sẽ được khống chế trong tháng 12 tới.

Tính đến ngày 22/11, toàn thành phố đã ghi nhận 10.447 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong.

Số mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 29% so với cùng kỳ năm 2009 là năm có dịch trên địa bàn Hà Nội.

Hiện tại, trên 9.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết đã khỏi hoàn toàn, chiếm 92, 4% (số còn đang điều trị chiếm 7,6%).

Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Số mắc rải rác quanh năm nhưng gia tăng trong các tháng 8, 9, 10, trong đó đỉnh điểm rơi vào tháng 10.

Hiện tại, bệnh đang có chiều hướng giảm. Số mắc trong ba tuần đầu của tháng 11 chỉ chiếm 50% so với số mắc của tháng 10.

Theo ông Hạnh, nguyên nhân của việc Hà Nội đã sớm triển khai các biện pháp phòng chống nhưng số bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn cao là do người dân chưa tích cực hợp tác với ngành y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Sở Y tế đã họp với các chuyên gia và cán bộ chuyên môn xác định nguyên nhân, lập danh sách các hộ không cho phun hóa chất diệt muỗi, báo cáo chính quyền địa phương “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để phun hóa chất diệt muỗi.

Đồng thời, ngành ​y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao như các khu đất xen kẹt chứa nhiều rác thải, các công trường xây dựng...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống và giám sát, điều tra khoanh vùng xử lý, các quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn, hệ thống chính quyền và các ban ngành đoàn thể đã tích cực vào cuộc với ngành ​y tế triển khai 660 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, tổ chức 142 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh tại các địa bàn trọng điểm với 221.860 hộ gia đình được phun xử lý, đạt 80,5%.

Các cơ sở điều trị đã bố trí đủ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, nhân lực cấp cứu điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, cấp cứu kịp thời cho các bệnh nhân nặng.

Thời gian tới, ngành ​y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện sớm bệnh nhân, ổ bệnh, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ bệnh kịp thời, triệt để.

Ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống để người dân khai báo cho trạm y tế khi mắc bệnh và đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh tử vong; chủ động thu gom phế thải, phế liệu không để cho muỗi truyền bệnh có nơi trú ngụ, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy như thau rửa dụng cụ chứa nước, thả cá... phun hóa chất diệt rộng diệt muỗi trưởng thành.

Ngành ​y tế ​đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phòng chống bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục