Tại sao cuộc khủng hoảng Syria chưa thể kết thúc?

Cuộc khủng hoảng Syria đang hết sức phức tạp do các bên liên quan cuộc chiến ở nước này đang tìm cách can dự để bảo vệ và cạnh tranh lợi ích với các bên khác trong bối cảnh nhóm IS bị đánh bại.
Tại sao cuộc khủng hoảng Syria chưa thể kết thúc? ảnh 1Hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở Damascus, Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng Syria đang diễn ra hết sức phức tạp do các bên liên quan đến cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này đang tìm cách can dự để bảo vệ và cạnh tranh lợi ích với các bên khác trong bối cảnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại về mặt quân sự.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông đã phỏng vấn tiến sỹ Evgeni Klauber tại Đại học Tel Aviv (Israel) về vấn đề này.

Theo ông Evgeni, mục tiêu hàng đầu của Chính quyền Syria hiện nay là tái kiểm soát toàn bộ lãnh thổ như trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra hồi năm 2011, song cho đến nay mục tiêu đó vẫn chưa đạt được do IS tuy bị đánh bại về mặt quân sự nhưng vẫn còn hiện diện tại nhiều khu vực.

Dù vậy, Quân đội Syria đã đạt được những bước tiến rất tích cực sau khi đánh bại lực lượng đối lập theo dòng Hồi giáo Sunni tại nhiều khu vực quan trọng như Đông Ghouta, Daraa... Quân đội Chính phủ Syria hiện đã kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Syria.

Tình hình cũng đang tiến triển tích cực tại khu vực Tây Nam Syria. Quân đội Syria đang dần làm chủ toàn bộ khu vực này sau nhiều năm bị các nhóm vũ trang đối lập kiểm soát.

Tiến sỹ Evgeni cho rằng điều này là có lợi cho Israel khi quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad dần kiểm soát được toàn bộ Syria.

Mặc dù Israel muốn nhìn thấy Syria có một nền chính trị dân chủ, nhưng trước khi nghĩ đến nền dân chủ thì cần phải nghĩ đến sự ổn định của đất nước. Vấn đề của Israel tại Syria là Iran.

Lý do là bởi Iran chính là kẻ thù trực tiếp của Israel. Iran ủng hộ các nhóm bị coi là khủng bố như Hezbollah tại Liban, phía Bắc Israel, và Hamas tại dải Gaza, phía Nam Israel.

Iran cũng được cho là hậu thuẫn nhiều tổ chức vũ trang khác tại Trung Đông.

Iran đang thiết lập một hành lang trên bộ nối Iran, Iraq và Syria tới Liban. Hành lang này của Iran trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia của Israel.

Đây là l‎ý do tại sao Israel đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin gây sức ép các lực lượng Iran và do Iran hậu thuẫn rời khỏi Syria.

Tuy nhiên, đây thực sự không phải là một vấn đề đơn giản vì Iran có mục tiêu chiến lược tại Syria. Iran muốn vận chuyển khí đốt và dầu mỏ từ Iran qua lãnh thổ Syria để vào châu Âu.

[Thủ tướng Israel khước từ đề nghị của Nga về vấn đề Syria]

Bởi vậy Iran quyết tâm thiết lập và duy trì hành lang trên bộ. Ngoài ra, Iran muốn có ảnh hưởng lâu dài tại Syria để cân bằng ảnh hưởng với Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Iran và Saudi Arabia là hai cường quốc khu vực và Iran rất cần hành lang này để tạo thế cân bằng với Saudi Arabia.

Chuyên gia nghiên cứu của Đại học Tel Aviv cho rằng Israel không muốn can thiệp vào vấn đề của Syria vì đó là vấn đề nội bộ của nước này. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tại Syria đang đi đến hồi kết thì lại nảy sinh câu hỏi rằng liệu Iran có tăng cường hiện diện tại Syria không và họ muốn Syria trở thành một nhà nước Cộng hòa Hồi giáo hay nhà nước thế tục?

Điều này vẫn đang là đề tài tranh luận giữa Iran và Nga. Tất nhiên Nga ủng hộ một nhà nước Syria thế tục do Chính quyền Tổng thống Al-Assad lãnh đạo, trong khi đó Iran lại muốn Syria trong tương lai là một nhà nước Cộng hòa Hồi giáo theo mô hình giống Iran hiện nay.

Liên quan đến địa chính trị cũng như về tương lai của Syria, ông cho rằng vấn đề đặt ra ở đây là về dầu mỏ bởi vì cường quốc khu vực như Saudi Arabia hay nước nhỏ như Qatar cũng đều rất quan tâm đến việc vận chuyển dầu mỏ, khí đốt qua lãnh thổ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ, Balkan và châu Âu.

Có thể xây dựng hai đường ống dẫn dầu, một từ Iran và một từ Qatar và Saudi Arabia. Đây hẳn là cuộc cạnh tranh về vấn đề lợi ích địa chính trị, hay nói cách khác quốc gia nào sẽ làm bá chủ khu vực Trung Đông.

Cuộc cạnh tranh này bao gồm 3 nước lớn trong khu vực gồm Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Saudi Arabia và Iran đều không muốn bên còn lại là quốc gia bá chủ khu vực, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn trở thành cường quốc khu vực dẫn dắt thế giới Hồi giáo tại Trung Đông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan muốn có lợi ích riêng tại Syria bằng việc chiếm giữ 10% lãnh thổ của Syria nhằm mục đích kiềm chế các lực lượng người Kurd ở Syria. Các nước lớn tại khu vực có nhiều lợi ích khác nhau tại Syria. Đó là lí do tại sao các nước này đều muốn xây dựng cái gọi là đế chế mới tại khu vực.

Tiến sỹ Evgeni đánh giá sự hiện diện của Nga tại Syria là một trường hợp cá biệt. Hiện nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi Syria quan trọng như thế nào đối với Nga khi Tổng thống Putin đã từng tự hào tuyên bố nước Nga có thành tựu mà không nước nào có thể làm được, đó là tạo ra sự ổn định.

Nga muốn duy trì sự tồn tại của chính quyền Syria để ngăn chặn làn sóng Mùa xuân Arập. Nga cũng muốn cho thấy sự kiên định chính sách và muốn duy trì sự ổn định tại khu vực.

Tổng thống Putin từng cáo buộc phương Tây gây bất ổn khu vực và đã khiến Tổng thống Ai Cập Mubarak và Tổng thống Libya bị lật đổ.

Còn đối với Syria, Nga ngăn chặn phương Tây tại Syria vì đây là quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga và được Nga xem là lằn ranh đỏ mà phương Tây không thể vượt qua.

Ngoài ra, Nga muốn thông qua can dự quân sự vào Syria để phô diễn, quảng bá các loại vũ khí quân sự mới nhắm tới các khách hàng tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ... Chiến trường Syria được coi là bãi thử các loại vũ khí của Nga.

Tiến sỹ Evgeni Klauber cho rằng Mỹ ủng hộ trực tiếp và gián tiếp một số lực lượng đối lập tại Syria, nhưng rất khó để có thể xác định được là Mỹ đang hỗ trợ cho những bên nào.

Mặc dù vậy, có một thực tế là Mỹ đang giảm can dự trực tiếp vào Syria. Mỹ và phương Tây đã thúc đẩy tiến trình đàm phán Geneva về Syria giữa các lực lượng đối lập và chính quyền Syria nhưng cũng có một số nhóm đối lập được bên ngoài hậu thuẫn không tham gia đàm phán hòa bình.

Điều này có nghĩa các nhóm này vẫn tiếp tục kiểm soát một số khu vực và chiến sự vẫn tiếp diễn tại Syria. Các nhóm này không muốn đàm phán và muốn Tổng thống Al-Assad phải từ bỏ quyền lực.

Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ muốn Nga sa lầy tại Syria. Mỹ muốn cuộc khủng hoảng Syria tiếp diễn để Nga không thể sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Đó là lý do tại sao Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nhóm nổi dậy tại Syria.

Nga vẫn phải hỗ trợ Chính quyền Al-Assad vì nếu Nga không hỗ trợ, Chính quyền Al-Assad sẽ không thể duy trì được đà thắng lợi như hiện nay. Mỹ muốn cuộc khủng hoảng Syria vắt kiệt sức của Nga do chi phí chiến tranh rất đắt đỏ.

Tại sao cuộc khủng hoảng Syria chưa thể kết thúc? ảnh 2Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 của Nga cất cánh từ căn cứ quân sự Hmeimim ở tỉnh Latakia (Syria) ngày 16/3/2016. Ảnh: (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tiến sỹ Evgeni Klauber cho rằng rất khó để dự báo được kết quả cuối cùng của cuộc khủng hoảng Syria. Vấn đề hiện nay tại Syria là các nước can dự vào cuộc khủng hoảng lại không muốn sớm kết thúc cuộc chiến tại đây.

Những nước này đều muốn đạt được các tính toán riêng và không bên nào muốn các bên còn lại dễ dàng đạt được mục tiêu của mình, nhưng chắc chắn một điều là không bên nào có đủ tiền để tái thiết Syria. Bởi vậy, cuộc khủng hoảng Syria vẫn sẽ tiếp diễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục