Tầm soát thai kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng HELLP

Theo các bác sỹ, hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ 1% tổng số phụ nữ mang bầu, gây tử vong mẹ và bé lên tới 30%.
Tầm soát thai kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng HELLP ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân Đ.T.T sau phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ ghi nhận có sự gia tăng của tình trạng mắc hội chứng HELLP (sự kết hợp của tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu) ở sản phụ.

Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ 1% tổng số phụ nữ mang bầu, gây tử vong mẹ và bé lên tới 30%.

Nguy hiểm hơn nữa, đây là hội chứng chưa rõ nguồn khởi phát bệnh. Tuy vậy, nếu được tầm soát phát hiện sớm, đặc biệt trong khoảng thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ hoàn toàn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh.

Những trường hợp được cấp cứu, điều trị kịp thời

Bác sỹ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sỹ của bệnh viện vừa cấp cứu thành công một trường hợp sản phụ bị hội chứng HELLP sau sinh nguy kịch.

Sản phụ Đ.T.T (20 tuổi, ngụ tại Cà Mau) mang thai 35 tuần đi khám thai định kỳ tại địa phương thì phát hiện huyết áp tăng cao, được chỉ định nhập viện theo dõi.

Trong thời gian này, sản phụ xuất hiện dấu hiệu nhau bong non nên các bác sỹ đã chỉ định phẫu thuật lấy thai khẩn cấp để cứu mẹ và bé. Sau mổ 14 giờ, sản phụ lơ mơ, mạch khó bắt, huyết áp thấp, xuất hiện tình trạng vàng da toàn thân, được chuyển khẩn cấp đến bệnh viện chuyên khoa của địa phương.

Sau 2 ngày điều trị tích cực, truyền 6 đơn vị hồng cầu lắng, tiến triển bệnh nhân không khá hơn, kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân suy đa cơ quan nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Khi nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 20/6, bệnh nhân ở trong tình trạng lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp thấp, da niêm vàng, bụng chướng căng.

Các bác sỹ đã tiến hành đặt ống thông dạ dày ra khoảng 250ml máu đỏ tươi, nội soi dạ dày cấp cứu (có nhiều ổ loét nông ở tâm vị), hồi sức nội khoa tích cực, truyền máu và chuyển khoa Hồi sức tích cực-Chống độc theo dõi và điều trị, tiếp tục truyền máu và các chế phẩm máu, kháng sinh.

Ngày 22/6, sau hội chẩn liên chuyên khoa xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn đông máu, xuất huyết nội-hậu phẫu mổ lấy thai ngày thứ 5 do nhau bong non/hội chứng HELLP rất nặng, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Ca phẫu thuật do bác sỹ Nguyễn Hữu Thời (Phó khoa Phụ Sản) và bác sỹ Trần Thị Kim Luyến (Khoa Phẫu thuật-Gây mê hồi sức) thực hiện. Mổ thám sát vào ổ bụng, bác sỹ thấy có khối máu tụ khoảng 400gr sau lớp cân trước phúc mạc, mở phúc mạc thành bụng hút ra 3.000ml máu đỏ sậm không đông.

Các bác sỹ tiến hành thắt hai động mạch tử cung, 2 dây chằng tròn, 2 động mạch buồng trứng trong (để phòng ngừa chảy máu tử cung thứ phát do rối loạn đông máu), rửa sạch ổ bụng, cầm máu các điểm chảy máu ở phúc mạc thành bụng và đoạn dưới tử cung… Sau mổ, sản phụ được chỉ định lọc máu liên tục.

Sau 9 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân ổn định dần, các chỉ số xét nghiệm dần trở về bình thường.

Trong quá trình cấp cứu và điều trị, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 46 đơn vị máu và chế phẩm máu. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn định, bụng mềm, vết mổ khô, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nội Tiêu hóa-Huyết học truyền máu. Riêng cháu bé sức khỏe ổn định, đã được xuất viện về nhà.

[Cứu sống thành công mẹ con sản phụ mắc COVID-19 từng rất nguy kịch]

Tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, ngày 22/6, sản phụ T.T.K.L (35 tuổi, ngụ tại Cần Thơ) mang thai con thứ 3 được 34 tuần 6 ngày, nhập viện trong tình trạng huyết áp cao 190/140mmHg, chẩn đoán tiền sản giật nặng.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sỹ sử dụng thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp, dự phòng cơn sản giật và làm khẩn các xét nghiệm cần thiết.

Qua xét nghiệm, bác sỹ xác định sản phụ mắc hội chứng HELLP với các dấu hiệu rõ rệt của của tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu…

Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền tiểu cầu, truyền 6 đơn vị chế phẩm máu, hạ huyết áp. Sau 120 phút, ca phẫu thuật thành công, bé gái có cân nặng 1.550 gram ra đời.

Sau điều trị tích cực, sức khỏe sản phụ L. hồi phục, tình trạng suy thận cải thiện, huyết áp được kiểm soát tốt, các chỉ số dần về giá trị bình thường, tử cung gò chắc, vết mổ khô.

Bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo

Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hà Ngọc Uyên, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, là một dạng nhiễm độc thai nghén thường gặp ở 5-8% phụ nữ đang mang thai, phổ biến nhất là sau tuần 20 khi mang bầu.

70% trường hợp sản phụ bị hội chứng HELLP xảy ra trước sinh và 30% xảy ra trong vòng 48 giờ đến 7 ngày sau sinh.

20% phụ nữ mắc hội chứng này sau sinh không hề có biểu hiện của sản giật trước khi sinh. Tỷ lệ tái phát ở những lần mang thai kế tiếp là 3% đối với HELLP, 10-14% đối với IUGR (chậm phát triển trong tử cung) và 18-20% đối với tiền sản giật.

Tầm soát thai kỳ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng HELLP ảnh 2Các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân T.T.K.L sau phẫu thuật. (Ảnh: TTXVN phát)

Triệu chứng của HELLP thường khá mơ hồ, rộng và dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày, cảm cúm, viêm gan cấp tính, bệnh túi mật hoặc các bệnh lý khác.

Bệnh nhân có thể có những dấu hiệu như: mệt, khó chịu trong vài ngày; buồn nôn, nôn ói; đau nhức cơ vai, cổ, thượng vị hoặc một phần tư trên phải vùng bụng; đau đầu và rối loạn thị giác; tăng cân do phù toàn thân; sưng tấy, đặc biệt là ở khu vực tay hoặc mặt; sau khi hít thở sâu…

Do triệu chứng khá mơ hồ nên thai phụ thường dễ bỏ qua, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: vỡ gan, máu tụ dưới bao gan, nứt gan, suy thận, suy hô hấp cấp tính, chảy máu (băng huyết) quá nhiều trong khi sinh, đột quỵ, nhau bong non, phù phổi cấp, ngạt chu sinh gây tử vong cả mẹ và thai nhi…

Triệu chứng mơ hồ, biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao… Tuy vậy, HELLP là một bệnh có thể phát hiện sớm và có lộ trình điều trị hiệu quả nếu thai phụ tuân thủ nghiêm lịch khám thai định kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu với những chỉ định xét nghiệm tầm soát sớm các dấu hiệu tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu, protein trong nước tiểu...

Bên cạnh đó, để phòng ngừa hội chứng HELLP, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến cáo cần chuẩn bị sức khỏe và thể chất tốt trước khi có kế hoạch mang thai, duy trì lối sống lành mạnh, chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa tình trạng tiểu đường thai kỳ hay huyết áp cao.

Trong thai kỳ, nếu cơ thể có bất kỳ bất thường nào về sức khỏe, thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục