Tăng cường hợp tác đa lĩnh vực giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Các học giả đã trao đổi, thảo luận, phân tích diễn biến chính trị và an ninh trong khu vực; đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm tăng cường quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc một cách thực chất, hiệu quả.

Sáng 29/1, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn đối thoại thường niên “Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc: Hướng tới chặng đường hợp tác mới vì hòa bình và ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Tại Diễn đàn, các học giả đã trao đổi, thảo luận, phân tích những diễn biến chính trị và an ninh trong khu vực, tăng cường kết nối công nghiệp và con người; đồng thời, đề xuất các khuyến nghị nhằm tăng cường quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc một cách thực chất, hiệu quả và toàn diện.

Diễn đàn tập trung thảo luận tại hai phiên: “Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc vì hòa bình và an ninh tại khu vực”; “Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc vì phồn vinh chung: Tăng cường kết nối công nghiệp và con người.”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết ngày 28/12/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của nước này, tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực trên nhiều mặt trận khác nhau bao gồm: không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, an ninh hàng hải, an ninh mạng, sức khỏe… với mục tiêu bao trùm là thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thịnh vượng thông qua một trật tự kinh tế cởi mở và công bằng.

Trong bối cảnh này, Việt Nam đảm nhận vai trò nòng cốt là đối tác chủ chốt của Hàn Quốc trong thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và “Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN vì tự do, hòa bình và thịnh vượng.”

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn cho biết quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc hiện đang ở mức cao nhất, “Đối tác Chiến lược Toàn diện.”

Những thành tựu to lớn của 30 năm hợp tác và sự gắn kết lợi ích chiến lược giữa hai nước đã và đang là chất xúc tác củng cố mối quan hệ giữa nhân dân hai quốc gia vì lợi ích chung, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo Tiến sỹ Park Cheol Hee, Chủ tịch Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KNDA), thời gian qua, hai nước đã tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng; đổi mới cơ chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu; rà soát hệ thống thuế, phí và các chi phí đầu vào theo hướng khuyến khích xuất khẩu; thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác thương mại...

Đồng thời, hai nước đã mở rộng những lĩnh vực hợp tác mới trong phát triển chuỗi cung ứng, các ngành công nghiệp công nghệ cao như: sản xuất pin năng lượng, chất bán dẫn, chip; công nghiệp hỗ trợ, các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái...

Hướng tới thúc đẩy hợp tác an ninh toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đề xuất thời gian tới, song song tăng cường các hợp tác hòa bình đa dạng vốn có, hai nước cần chú trọng hướng tới tập trung hơn cho các hợp tác an ninh toàn diện nhằm đối phó với phức hợp nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống một cách tổng thể, đa phương diện (an ninh biển, an ninh mạng…).

Trong hợp tác an ninh biển, hai nước cần bảo vệ môi trường, quản lý rác thải biển an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển; quản lý phát triển nghề cá, nghề biển; quản lý phát triển tài nguyên biển; chống khủng bố, hải tặc trên biển; xây dựng quy tắc, thực thi pháp luật trên biển; hoạt động hải quân, cảnh sát biển…

Tại Diễn đàn, các đại biểu kiến nghị một số giải pháp về đầu tư trong cơ cấu ngành như: phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất các mặt hàng vật liệu, linh kiện; nâng cao sức cạnh tranh một số phân ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm tiêu dùng.

Về cơ chế chính sách thương mại, hai nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý thông thoáng; đổi mới cơ chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu; rà soát hệ thống thuế, phí và các chi phí đầu vào theo hướng khuyến khích xuất khẩu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam-Hàn Quốc”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục