Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng và động lực thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trong những năm tới. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Công nghiệp hộ trợ - chìa khóa vàng cho sự phát triển của nền công nghiệp ôtô Việt Nam” do Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/5.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, công nghiệp hỗ trợ không chỉ có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ôtô mà còn phản ánh năng lực nội sinh của nền kinh tế. Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực sản xuất quan trọng làm tăng giá trị sản phẩm nội địa và tăng sức cạnh tranh của công nghiệp, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế quốc gia.
Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và trong lĩnh vực ôtô xe máy nói riêng. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu hình thành và mới sản xuất được một số chủng loại phụ tùng, linh kiện đơn giản, với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Do đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ôtô sản xuất trong nước vẫn còn rất thấp, chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam còn cao hơn các nước khác trong khu vực.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, tính đến nay cả nước mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô. Bình quân mỗi doanh nghiệp lắp ráp ôtô có chưa đến hai nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cho mình. Thêm vào đó, giá thành sản xuất các linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam vẫn còn cao nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường, năng lực khoa học và công nghệ sản xuất kém. Ngoài ra, sự liên kết giữa các doanh nghiệp lắp ráp và cung cấp linh kiện, phụ tùng còn thiếu và lỏng lẻo.
Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng, quy mô thị trường ôtô của Việt Nam chưa đủ lớn để các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đầu tư vào sản xuất các linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành sản xuất ôtô trong nước. Trong khi đó, hầu hết các hãng xe nước ngoài lắp ráp tại Việt Nam đều đang nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ công ty mẹ hoặc liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo động lực, tiền đề cho ngành công nghiệp ô tô phát triển đúng tầm và đúng tiềm lực. Khi công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ tạo ra sự lan tỏa lớn, thúc đẩy hàng loạt lĩnh vực khác phát triển theo. Thêm vào đó, chính sách phát triển công nghiệp ôtô phải ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn.
Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VASI nhận định, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ôtô Việt Nam có nhiều dư địa phát triển vì không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ phải có chiến lược dài hạn, tăng cường kết nối và chủ động trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa doanh nghiệp phải thường xuyên cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đồng thời cắt giảm tối đa chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông Vũ Quang Tâm, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ ô tô đang đối mặt nhiều thách thức từ nội lực của doanh nghiệp và cả chính sách. Vì vậy, để phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo động lực cho công nghiệp ôtô phát triển các doanh nghiệp phải chủ động trong việc phân tích xu hướng và nắm bắt cơ hội kịp thời để định hướng đầu tư hợp lý. Doanh nghiệp cũng phải thường xuyên đầu tư, nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Quan trọng nhất, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất chính mới có thể tham gia lâu dài vào chuỗi cung ứng.
Về mặt vĩ mô, cần có chính sách ưu đãi hấp dẫn trong giai đoạn đầu để kích thích sự tham gia của các doanh nghiệp vào ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô, cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ôtô sản xuất tại Việt Nam. Hơn nữa, các chính sách phát triển ngành cần rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Bởi, đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí đòi hỏi nhiều vốn, thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các ngành khác.
Song song đó, cần đẩy mạnh sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo, cao su, nhựa và chất dẻo, vừa tăng thêm tỷ lệ nguyên liệu nội địa cho ngành ôtô, vừa phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất khác của đất nước./.