Tây Ninh: Kiểm tra cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm sau phản ánh của TTXVN

Trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của ông Lê Trường Đức xả thải trực tiếp ra rạch Bàu Nâu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong nhiều năm, người dân bức xúc, phản ánh đến chủ cơ sở nhiều lần.
Tây Ninh: Kiểm tra cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm sau phản ánh của TTXVN ảnh 1Mương nước xả thải từ trang trại chăn nuôi lợn xả thẳng ra rạch Bàu Nâu, thuộc ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu có mùi hôi thối, khó chịu gây bức xúc. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Ngày 9/8, ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, cho biết sau khi tiếp nhận phản ánh của TTXVN về việc trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn của ông Lê Trường Đức (thuộc ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) xả thải trực tiếp ra rạch Bàu Nâu đổ ra sông Vàm Cỏ Đông, gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm, khiến người dân bức xúc, Sở đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gò Dầu, Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Giang thành lập Đoàn kiểm tra, lấy mẫu nước thải và buộc cơ sở chăn nuôi này chấm dứt tình trạng xả thải gây ô nhiễm.

Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở chăn nuôi lợn của ông Lê Trường Đức được Ủy ban Nhân dân huyện Gò Dầu cấp giấy xác nhận đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Cơ sở này hoạt động từ năm 2003, công suất 800 con lợn thịt.

Tại thời điểm kiểm tra, trại đang thả nuôi 900 con lợn, nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi khoảng 4 m3/ngày, được thu gom về bể chứa biogas (diện tích 19x19m), hiện trạng bể biogas không có gas.

[Đà Nẵng: Xử lý triệt để tình trạng nước thải xả thẳng ra biển]

Đồng thời, Đoàn phát hiện hai đường ống xả thải, một ống xả thải ra ao đất không có chống thấm, ống còn lại thải ra mương chất thải dẫn ra rạch Bàu Nâu.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở lập tức tháo dỡ hai đường ống xả thải này và tiến hành lấy hai mẫu nước thải tại hai vị trí tại ống xả thải để xét nghiệm theo quy định.

Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở này sau khi xuất hết đàn lợn đang nuôi, không được tái đàn, phải khắc phục những tồn tại hiện có.

Đồng thời, cơ sở phải lập hồ sơ cấp giấy phép về đề án đảm bảo bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Cơ sở tiến hành bơm toàn bộ nước thải tại mương nước thải (chiều ngang khoảng hơn 2m, chiều dài khoảng hơn 100m) dẫn ra rạch Bàu Nâu vào bể chứa biogas để xử lý và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo quy chuẩn theo quy định trước khi xả ra môi trường.

Ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, cho biết thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có nguồn thải lớn xả ra sông, rạch và xử lý nghiêm các trường hợp xả nước thải không qua xử lý hoặc nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường.

Đồng thời, Sở đôn đốc nhắc nhở các cơ sở sản xuất, chăn nuôi thuộc đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện việc lắp đặt quan trắc hệ thống nước thải tự động; lập hồ sơ đề án bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục