Bên cạnh phát triển du lịch tâm linh như Chùa Keo (huyện Vũ Thư), Đền Trần (huyện Hưng Hà), tỉnh Thái Bình còn coi du lịch sinh thái Cồn Vành (thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) như một điểm nhấn mới trong lộ trình phát triển của ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Tuy nhiên, để đánh thức tiềm năng của khu du lịch này đang là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền nơi đây.
Trước đây, Thái Bình nổi tiếng với bãi biển Đồng Châu thì hiện nay do nhu cầu phát triển kinh tế nên khu vực này đã được quy hoạch thành bãi nuôi ngao. Vì vậy bãi biển Đồng Châu giờ chỉ còn trong “câu hát.” Song với vị trí tiếp giáp với Vịnh Bắc Bộ hơn 50km đường bờ biển, Thái Bình vẫn xác định tiếp tục phát triển kinh tế biển bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có khu vực Cồn Vành.
Những năm gần đây, địa danh này được nhắc đến nhiều hơn khi các du khách đặt chân đến Thái Bình. Cồn Vành là bãi bồi rộng gần 2.000ha, bãi biển vẫn còn giữ vẻ hoang sơ trải dài khoảng 6km.
Ngoài ra, nơi đây còn có rừng ngập mặn hơn 700ha nằm trong hệ thống các khu rừng ngập mặn ven biển từ Ninh Bình- Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh với hệ sinh thái phong phú gần 200 loại thủy sản có giá trị cao, nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới. Vì vậy, năm 2004 Cồn Vành được tổ chức UNESCO công nhận là khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Cồn Vành còn được xem là điểm kết nối, cửa ngõ thu hút du khách với các địa điểm du lịch khác trong hệ thống du lịch biển của vịnh Bắc Bộ như vịnh Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng).
Đến Cồn Vành du khách không chỉ được tắm tại bãi biển nước xanh trong mà còn được thưởng thức các món ăn thủy hải sản ngay tại các chòi ven biển. Đây được xem là địa điểm có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng lý tưởng và hấp dẫn. Hàng năm thu hút nhiều du khách tới tham quan, năm 2012 có 25.000 - 30.000 lượt người, cao điểm nhất vào mùa hè có ngày lên đến 3.000-4.000 lượt người.
Xác định rõ những lợi thế và tiềm năng của vùng, năm 2008 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành trên diện tích hơn 140ha trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Khu du lịch được xây dựng ven biển kết hợp đa dạng giữa khu du lịch nghỉ dưỡng, khu ở kết hợp dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu thể thao - sân golf, khu văn hóa tổng hợp, khu bãi tắm, khu rừng trồng kết hợp nuôi thủy sản. Mong muốn của những người làm công tác du lịch sau khi dự án hoàn thành Cồn Vành sẽ trở thành “Tuần Châu của quê lúa.”
Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đã có, tuy nhiên 4 năm sau khi đề án quy hoạch xây dựng Cồn Vành ra đời, quang cảnh nơi đây vẫn trong sự tĩnh lặng, theo kiểu “dậm chân tại chỗ,” chưa một hạng mục nào trong số danh mục quy hoạch được triển khai thành hiện thực. Chỉ thưa thớt một vài chòi phục vụ ăn uống cho du khách.
Theo ông Nguyễn Công Lý - Trưởng Ban quản lý khu du lịch Cồn Vành, nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong triển khai xây dựng đề án là do thiếu vốn, thiếu sự đầu tư. Theo quy hoạch cần đến hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có được nguồn đầu tư nào đáng kể.
Năm 2012, huyện Tiền Hải đã cấp kinh phí 1 tỷ đồng xây dựng nhà ban quản lý. Đến tháng 3/2013 mới hoàn thiện hệ thống đường điện và dự kiến sau khi nhà máy nước ở xã Nam Trung (Tiền Hải) đưa vào sử dụng sẽ dẫn nước ngọt ra khu vực Cồn Vành.
Cũng theo ông Lý, chính vì các công trình chưa được xây dựng nên tại Cồn Vành hiện tại chưa có khoản thu nào từ du lịch. Một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch là vai trò của các khu lưu trú, từ đây sẽ kéo theo sự phát triển của các hoạt động du lịch khác.
Trong khi đó, tại Cồn Vành vẫn chưa hình thành một khu nhà ở nào. Từ bãi biển vào đến khu dân cư hơn 6 km khó khăn cho du khách nếu muốn lưu trú qua đêm tại đây. Phần lớn khách du lịch chỉ đi trong ngày và chủ yếu là khách tham quan hệ sinh thái, tắm biển.
Năm du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng” đang đến gần, trong đó tại Thái Bình sẽ diễn ra Tuần du lịch hè biển Cồn Vành vào tháng 7/2013. Để phát huy tiềm năng đó, Thái Bình cần có nhiều chính sách hơn nữa trong việc “trải thảm” thu hút nhà đầu tư vào ngành “công nghiệp không khói” có giá trị cao này./.
Trước đây, Thái Bình nổi tiếng với bãi biển Đồng Châu thì hiện nay do nhu cầu phát triển kinh tế nên khu vực này đã được quy hoạch thành bãi nuôi ngao. Vì vậy bãi biển Đồng Châu giờ chỉ còn trong “câu hát.” Song với vị trí tiếp giáp với Vịnh Bắc Bộ hơn 50km đường bờ biển, Thái Bình vẫn xác định tiếp tục phát triển kinh tế biển bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có khu vực Cồn Vành.
Những năm gần đây, địa danh này được nhắc đến nhiều hơn khi các du khách đặt chân đến Thái Bình. Cồn Vành là bãi bồi rộng gần 2.000ha, bãi biển vẫn còn giữ vẻ hoang sơ trải dài khoảng 6km.
Ngoài ra, nơi đây còn có rừng ngập mặn hơn 700ha nằm trong hệ thống các khu rừng ngập mặn ven biển từ Ninh Bình- Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh với hệ sinh thái phong phú gần 200 loại thủy sản có giá trị cao, nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới. Vì vậy, năm 2004 Cồn Vành được tổ chức UNESCO công nhận là khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.
Cồn Vành còn được xem là điểm kết nối, cửa ngõ thu hút du khách với các địa điểm du lịch khác trong hệ thống du lịch biển của vịnh Bắc Bộ như vịnh Hạ Long, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng).
Đến Cồn Vành du khách không chỉ được tắm tại bãi biển nước xanh trong mà còn được thưởng thức các món ăn thủy hải sản ngay tại các chòi ven biển. Đây được xem là địa điểm có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng lý tưởng và hấp dẫn. Hàng năm thu hút nhiều du khách tới tham quan, năm 2012 có 25.000 - 30.000 lượt người, cao điểm nhất vào mùa hè có ngày lên đến 3.000-4.000 lượt người.
Xác định rõ những lợi thế và tiềm năng của vùng, năm 2008 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành trên diện tích hơn 140ha trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Khu du lịch được xây dựng ven biển kết hợp đa dạng giữa khu du lịch nghỉ dưỡng, khu ở kết hợp dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu thể thao - sân golf, khu văn hóa tổng hợp, khu bãi tắm, khu rừng trồng kết hợp nuôi thủy sản. Mong muốn của những người làm công tác du lịch sau khi dự án hoàn thành Cồn Vành sẽ trở thành “Tuần Châu của quê lúa.”
Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết đã có, tuy nhiên 4 năm sau khi đề án quy hoạch xây dựng Cồn Vành ra đời, quang cảnh nơi đây vẫn trong sự tĩnh lặng, theo kiểu “dậm chân tại chỗ,” chưa một hạng mục nào trong số danh mục quy hoạch được triển khai thành hiện thực. Chỉ thưa thớt một vài chòi phục vụ ăn uống cho du khách.
Theo ông Nguyễn Công Lý - Trưởng Ban quản lý khu du lịch Cồn Vành, nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong triển khai xây dựng đề án là do thiếu vốn, thiếu sự đầu tư. Theo quy hoạch cần đến hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có được nguồn đầu tư nào đáng kể.
Năm 2012, huyện Tiền Hải đã cấp kinh phí 1 tỷ đồng xây dựng nhà ban quản lý. Đến tháng 3/2013 mới hoàn thiện hệ thống đường điện và dự kiến sau khi nhà máy nước ở xã Nam Trung (Tiền Hải) đưa vào sử dụng sẽ dẫn nước ngọt ra khu vực Cồn Vành.
Cũng theo ông Lý, chính vì các công trình chưa được xây dựng nên tại Cồn Vành hiện tại chưa có khoản thu nào từ du lịch. Một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch là vai trò của các khu lưu trú, từ đây sẽ kéo theo sự phát triển của các hoạt động du lịch khác.
Trong khi đó, tại Cồn Vành vẫn chưa hình thành một khu nhà ở nào. Từ bãi biển vào đến khu dân cư hơn 6 km khó khăn cho du khách nếu muốn lưu trú qua đêm tại đây. Phần lớn khách du lịch chỉ đi trong ngày và chủ yếu là khách tham quan hệ sinh thái, tắm biển.
Năm du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng” đang đến gần, trong đó tại Thái Bình sẽ diễn ra Tuần du lịch hè biển Cồn Vành vào tháng 7/2013. Để phát huy tiềm năng đó, Thái Bình cần có nhiều chính sách hơn nữa trong việc “trải thảm” thu hút nhà đầu tư vào ngành “công nghiệp không khói” có giá trị cao này./.
Thu Hoài (TTXVN)