Thảm sát vì tuyệt vọng

Thảm sát nhà trẻ ở Trung Quốc là do tuyệt vọng

Các vụ thảm sát trẻ em là do thủ phạm bị nhiễm tư tưởng tuyệt vọng đang lây lan trong tầng lớp nghèo khổ bởi sức ép xã hội quá lớn.
Chưa đầy hai tháng đã có sáu vụ tấn công vào các nhà trẻ tại Trung Quốc làm 16 em thiệt mạng và 70 em bị thương. Thủ phạm thì khác nhau nhưng kịch bản có nhiều nét tương đồng.

Các vụ án đều xảy ra ở các thị trấn, thành phố quy mô nhỏ hoặc vừa, được thực hiện bởi các đối tượng nam giới trung niên không có việc làm ổn định, những người bị coi là kẻ thất bại trong một xã hội ngày càng nhiều tính thực dụng hơn. Phần lớn thủ phạm tự sát hoặc cố làm điều đó ngay sau khi tấn công.

Vu Kiến Vanh, giáo sư chuyên nghiên cứu về bất ổn xã hội tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận xét hàng loạt vụ tấn công như trên cho thấy tình trạng báo động về sự tuyệt vọng ở một nhóm người: “Trước đây, tấn công cuồng sát có thể vì bất mãn xã hội. Nhưng giờ, đó là sự tuyệt vọng.”

Chuyên gia này cũng cho rằng cách thủ phạm chọn trẻ em là điều cực kỳ nghiêm trọng: “Những kẻ sát nhân biết trước họ sẽ phải chết vì hành động đó, hoặc tự tử hoặc chờ án tử hình. Nhưng họ vẫn ra tay vì không còn hy vọng nào vào tương lai.”

Trịnh Minh Sinh, thủ phạm vụ đầu tiên xảy ra ngày 22/3 tại thành phố Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến đã thất nghiệp từ tháng 6 năm ngoái và đổ lỗi vì chuyện tình cảm thất bại nên trút giận vào xã hội. Trong vụ tấn công ở thành phố Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 28/4, Trần Khang Bính (33 tuổi) cũng không có việc làm kể từ năm 2006.

Trong vụ ở thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô ngày 29/4, Từ Ngọc Nguyên không có công việc ổn định nào từ năm 2001. Báo chí đưa tin trước đó vài ngày, Từ cãi vã nghiêm trọng với hàng xóm xung quanh chuyện tiền nong. Người hàng xóm tố cáo Từ lừa mình tham gia vào một đường dây bán hàng đa cấp.

Còn trong trường hợp vụ ở tỉnh Sơn Đông ngày 30/4, nông dân Vương Vĩnh Lai (45 tuổi) dùng búa tấn công năm trẻ em rồi sau đó tự thiêu vào đúng ngày ngôi nhà mà Vương xây cho con bị cưỡng chế dỡ bỏ.

Từ Hữu Ngư, một cựu chuyên gia cũng của CASS đồng tình rằng tư tưởng tuyệt vọng đang lây lan trong tầng lớp nghèo khổ bởi sức ép ngày càng tăng từ xã hội.

Tuy nhiên ông nhận xét: “Không thể vì cảm thấy bị xã hội đối xử bất công mà họ có thể giết hại trẻ em như vậy. Những vụ tấn công này cho thấy các kẻ sát nhân đã không tôn trọng ý nghĩa của cuộc sống. Góc nhìn của họ bị méo mó đến tận cùng”./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục