Tháng Bảy: Doanh nghiệp đăng ký mới giảm 22,8% do giãn cách xã hội

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa, Nguồn: TTXVN)
(Ảnh minh họa, Nguồn: TTXVN)

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng Bảy, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng và số lao động là 71.200 người, giảm lần lượt 22,8%, 25,3% và 0,9% so với tháng Sáu. Bên cạnh đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân của tình trạng trên được báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới ngày càng tăng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong tháng Bảy và bảy tháng của năm.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn,” báo cáo của Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

[Doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn khi đăng ký hệ thống 'luồng xanh']

Trong bối cảnh khó khăn chung, một bộ phận doanh nghiệp đã thích ứng với hoàn cảnh mới với 4.947 công ty quay trở lại hoạt động trong tháng Bảy (tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, nền kinh cũng ghi nhận 4.527 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 17,1% và tăng 34,3%). Bên cạnh đó, 3.932 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (giảm 24,9% và tăng 28,2%) và 1.442 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 24,9% và giảm 4,1%).

Như vậy tính chung bảy tháng, cả nước có 75,800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555.500 lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Tháng Bảy: Doanh nghiệp đăng ký mới giảm 22,8% do giãn cách xã hội ảnh 1(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nếu tính cả 1.366 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong bảy tháng năm 2021 là 2.432 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm vào đó, toàn quốc có 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong bảy tháng là 105.400 doanh nghiệp.

Ngoài ra, bảy tháng qua cũng ghi nhận gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng  25,5% so với cùng kỳ năm 2020 và tính trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Hoạt động kinh tế, đời sống xã hội ở các địa bàn có dịch gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung của toàn nền kinh tế. Theo đó, việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng, chống dịch.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục nỗ lực với ý chí và quyết tâm cao nhất, nêu cao tinh thần bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân, người lao động. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, thể hiện quan điểm điều hành dứt khoát, thống nhất, xuyên suốt, phát huy cao nhất nguồn lực của cả hệ thống chính trị… Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài nhưng nhìn chung tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế do diễn biến dịch bệnh kéo dài của dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, khiến sản xuất, lưu thông hàng hóa, xuất khẩu bị đình trệ, đứt gãy, sức mua trong nước giảm sút... 

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được chủ yếu nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thường xuyên, kịp thời, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của Nhân dân cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.” Song, ông cũng nhìn nhận Việt Nam vẫn đang đối diện với khó khăn, thách thức lớn, chủ yếu do các nguyên nhân như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và là nguyên nhân chủ yếu, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Từ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số bài học kinh nghiệm. Một là, tiếp tục chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất xuyên suốt trong tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương và cấp cơ sở; ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm của cả nước, kêu gọi sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Hai là, kế thừa, phát huy kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý, điển hình tốt; thường xuyên tổng kết, đánh giá với tinh thần “nhìn thẳng sự thật” để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thực tiễn, khắc phục bằng được những yếu kém; kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Ba là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sám, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường phối hợp trong thực thi chính sách; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động trong mọi tình huống. Bốn là, có cơ chế, giải pháp khuyến khích tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục đích chung; xử lý kịp thời những cá nhân, tập thể vi phạm. “Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, yêu cầu phải triển khai quyết liệt, đồng bộ, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao nhất các giải pháp đã đề ra để sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân đồng thời tạo dư địa, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, đời sống của người dân, người lao đông trong những tháng cuối năm,” ông Phương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục