Thanh Hóa gắn kết cải cách hành chính với phát triển kinh tế-xã hội

​Trong năm 2018, Thanh Hóa đã tiếp nhận gần 2.464.000 hồ sơ, giải quyết và trả hồ sơ đúng hạn đạt 97,92%, trong 8 tháng năm 2019, tỉnh trả đúng hạn đạt 99,89% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 5/9, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2019.

Trong năm 2018 và 8 tháng năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành 30 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số văn bản quan trọng quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất...

100% văn bản quy phạm pháp luật trình Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân đều được thẩm tra, thẩm định trước khi ban hành, đảm bảo kịp thời, chất lượng, khả thi khi thực hiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp tiến hành rà soát, cắt giảm những giấy tờ không cần thiết, cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; thực hiện 4 tăng, 2 giảm, 3 không trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 2.464.000 hồ sơ, đã giải quyết và trả hồ sơ đúng hạn đạt 97,92%. Trong 8 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 1.250.000 hồ sơ, trong đó trả đúng hạn đạt 99,89% tổng số đã tiếp nhận.

Về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã tiến hành rà soát, sắp xếp và đã giảm được 11 phòng và 3 chi cục.

Đặc biệt, trong công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố và đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa đạt kết quả cao nhất cả nước, trong đó đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố, cùng với đó đã giảm 10.500 người hoạt động không chuyên trách, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm khoảng 103 tỷ đồng.

[Đổi mới công tác tuyển dụng và quản lý công chức, viên chức]

Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện sắp xếp nhằm giảm 76 xã, phường, thị trấn (từ 635 đơn vị xuống còn 559 đơn vị).

Tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện mạnh mẽ hiện đại hóa nền hành chính. Đến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có trang thông tin điện tử và phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc; 100% cán bộ công chức từ cấp huyện, tỉnh được cấp hộp thư điện tử, trong đó 96% cán bộ công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc; 90% các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trao đổi văn bản dưới dạng điện tử.

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tỉnh cũng thực hiện nghiêm quy định công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính, công khai xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thương trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, tập trung rà soát, xử lý các văn bản hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính đã được quan tâm. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện, tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác cải cách hành chính với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và công tác cải cách hành chính của bộ, ngành để đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ.

Tỉnh cũng cần tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Thanh Hóa cũng cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung những văn bản sai thẩm quyền, có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Thanh Hóa gắn kết cải cách hành chính với phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cũng trong ngày 5/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thăm giáo xứ Phúc Lãng, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, thành tựu đó có sự đóng góp tích cực của các tôn giáo, trong đó đồng bào Công giáo.

Các linh mục cùng các vị chức sắc trong Giáo hội Công giáo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn, khích lệ đồng bào Công giáo thực hiện vai trò "một người giáo dân tốt đồng thời cũng là một người công dân tốt," sống "Tốt đời, đẹp đạo” trên con đường đồng hành cùng dân tộc.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo hoạt động và phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện; các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, chính trị-xã hội ổn định.

Các xứ, họ đạo ngày càng khang trang, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng mong muốn các vị linh mục tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối tập hợp, đoàn kết, động viên đồng bào công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự, đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục