Thành phố Hà Nội ghi nhận gần 180 trường hợp mắc tay chân miệng

Để chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý bệnh tay chân miệng cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.
Thành phố Hà Nội ghi nhận gần 180 trường hợp mắc tay chân miệng ảnh 1Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế) khám, điều trị là các bệnh mùa Hè. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tính đến 13/3, thành phố Hà Nội ghi nhận 176 trường hợp mắc tay chân miệng, các ca mắc rải rác và chưa có trường hợp tử vong.

Do thời tiết hiện tại là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh tay chân miệng phát triển, để chủ động phòng, chống dịch tay chân miệng, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý bệnh tay chân miệng cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; tổ chức phát động chiến dịch “Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng” của thành phố và hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai tại các quận, huyện, thị xã; đồng thời bảo đảm cung ứng đầy đủ cloramin B và trang thiết bị cần thiết cho xử lý dịch.

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống tay chân miệng như vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để bệnh lây lan.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng chống tay chân miệng trong trường học; chỉ đạo các trường học thông báo kịp thời thông tin về học sinh có biểu hiện nghi mắc bệnh tay chân miệng cho cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời điều tra dịch tễ và xử lý dịch.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị tay chân miệng; tổ chức tốt việc thu dung, sàng lọc, cấp cứu điều trị bệnh nhân; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.

Bên cạnh đó, các cơ sở phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố và Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh để chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục