Thêm 3 bệnh viện được công nhận thực hành nuôi con bằng sữa mẹ

Các nghiên cứu gần đây cho thấy virus SARS-Cov-2 không có trong sữa mẹ và không có nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình cho con bú.
Thêm 3 bệnh viện được công nhận thực hành nuôi con bằng sữa mẹ ảnh 1Trẻ sau sinh được bú mẹ hoàn toàn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 6/8, Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi, Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam được Sở Y tế công nhận danh hiệu bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, nhờ các nỗ lực thực hiện đúng quy trình chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.

Như vậy, tính đến nay, cả nước đã có 13 bệnh viện được công nhận danh hiệu này, trong đó có tám bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, năm bệnh viện tuyến huyện.

Sau một năm thực hiện đề án, ba bệnh viện đạt danh hiệu lần này đều có tỷ lệ thực hiện da kề da và bú sớm trên 85% (theo kết quả khảo sát sản phụ xuất viện vào quý 2, 2020 do Bộ Y tế/Sở Y tế thực hiện). Tất cả sản phụ đều được tư vấn kiến thức và hướng dẫn kỹ năng nuôi con bằng sữa mẹ. Các bệnh viện đều nói không với việc sử dụng và bày bán các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 2 tuổi.

Bác sỹ Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay trong suốt thời kỳ cao điểm của COVID-19 (từ tháng 2-4/2020), các bệnh viện tham gia đề án ở tỉnh Quảng Nam vẫn đảm bảo thực hiện da kề da, bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện. Vì lợi ích của trẻ, những thực hành thường quy này sẽ vẫn được duy trì kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam còn thực hiện thêm mô hình phòng sinh thân thiện, nhằm mang lại trải nghiệm sinh tích cực nhất cho sản phụ. 85% sản phụ lựa chọn một người thân trong gia đình đồng hành trong cuộc sinh. Người đồng hành khi sinh sẽ giúp sản phụ tự tin, giảm bớt căng thẳng và đau đớn, vượt cạn nhanh hơn và cho con bú dễ dàng hơn.

Ông Roger Mathisen, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Alive & Thrive nhấn mạnh trẻ được bú mẹ hoàn toàn có khả năng sống sót cao gấp 14 lần so với trẻ không bú. Da kề da, bú sớm và bú mẹ hoàn toàn là giải pháp quan trọng, tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ.

Ông Roger chia sẻ thêm: “Chúng tôi kêu gọi các bệnh viện tiếp tục duy trì thực hành da kề da, bú sớm sau sinh và không cách ly mẹ con trong mùa dịch COVID-19. Các nghiên cứu gần đây cho thấy virus SARS-Cov-2 không có trong sữa mẹ, và không có nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con trong quá trình cho con bú. Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19.”

Tại Bệnh viện Sản-Nhi Cà Mau, tỷ lệ bú sớm và bú mẹ hoàn toàn trong thời gian ở viện đạt ở mức rất cao, trên 95% trong Quý 2, 2020.

Theo Báo cáo Tổn thất khi không nuôi con bằng sữa mẹ của Alive & Thrive, hàng năm Việt Nam có thể mất tới 2 tỷ USD nếu như trẻ không được bú mẹ đầy đủ. Trung bình hộ gia đình tại Đông Nam Á phải dành ra 12% thu nhập để mua sữa công thức.

Bác sỹ Dương Quốc Thống, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đầm Dơi chia sẻ bằng việc hỗ trợ và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, bệnh viện không những đảm bảo lợi ích sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, mà còn giảm gánh nặng kinh tế cho các hộ gia đình khi không phải mua các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Alive & Thrive (A&T) là một dự án tăng cường các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua việc tăng tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện thực hành cho ăn bổ sung. Những năm qua, Alive & Thrive và Cơ quan viện trợ Ireland đang hỗ trợ nhiều bệnh viện khác trên cả nước để trở thành bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục