Thị trường ôtô Việt “lao dốc” 30% doanh số trong nửa đầu năm 2020

Doanh số xe tháng Sáu của các hãng xe hơi tại Việt Nam đồng loạt tăng so với tháng Năm nhưng vẫn giảm mạnh so với doanh số cùng kỳ năm trước.
Xưởng nhà máy xe VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Xưởng nhà máy xe VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tháng Sáu vừa qua, thị trường xe ôtô tại Việt Nam tiếp tục có sự tăng tưởng đều, bằng chứng là nhiều mẫu xe có doanh số tăng gần gấp đôi so với tháng trước.

Theo thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số ôtô của các thành viên trong tháng 6/2020 đạt 24.002 xe. Con số này tăng 26% so với tháng Năm nhưng giảm 13% so với tháng Sáu năm ngoái.

Trong đó, doanh số xe du lịch tăng 35%, xe thương mại tăng 5% và xe chuyên dụng tăng 18% so với tháng trước. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường ôtô đang trên đà hồi phục.

Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 15.874 xe, tăng 43% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 8.155 xe, tăng 21% so với tháng trước.

Thị trường ôtô Việt “lao dốc” 30% doanh số trong nửa đầu năm 2020 ảnh 1Bảng xếp hạng 10 xe ôtô bán chạy nhất tháng Sáu. (Đồ họa: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tuy nhiên, doanh số trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ôtô Việt Nam bởi còn có sự góp mặt của các thương hiệu khác như Audi, Jaguar, Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, TC MOTOR,...

Trong số đó, riêng TC MOTOR (đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công)-đơn vị không phải là thành viên VAMA, trong tháng Sáu vừa qua có doanh số bán 5.613 xe, tăng trưởng 16% so với tháng trước đó, cộng dồn 6 tháng đầu năm đạt 28.014 xe.

Ngoài ra, hãng xe ôtô Việt VinFast cũng vừa mới công bố doanh số tháng Sáu xe của mình. Tháng này VinFast bán ra 2.170 xe ôtô (tăng 9 chiếc so với tháng trước). Trong đó có 1.364 xe Fadil, 467 xe Lux A2.0 và 339 xe Lux SA2.0. Đây là tín hiệu vô cùng tích cực đối với hãng xe non trẻ của Việt Nam.

Nhìn ra bức tranh tổng thể, sau Sáu tháng đầu năm 2020, thị trường xe ôtô Việt Nam đã đạt doanh số 135.197 xe (bao gồm thành viên VAMA với TC MOTOR, không bao gồm VinFast), sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có tháng Tư là có doanh số thấp điểm nhất, do trực tiếp chịu hậu quả nặng nề của dịch COVID-19.

Thị trường ôtô Việt “lao dốc” 30% doanh số trong nửa đầu năm 2020 ảnh 2Biểu đồ so sánh lượng ô tô tiêu thụ qua các tháng của VAMA. (Ảnh nguồn: VAMA)

Phân loại riêng, xe ôtô du lịch giảm 32%, xe thương mại giảm 25% và xe chuyên dụng giảm 40%.

Đối với xe lắp ráp, doanh số bán hàng 6 tháng giảm 43% trong khi xe nhập khẩu giảm 21% so với cùng kỳ.

Riêng với từng hãng xe, hầu như hãng ôtô nào cũng có doanh số thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê từ VAMA cho thấy trong các thành viên của Hiệp hội, Toyota vẫn là thương hiệu có lượng tiêu thụ cao nhất qua 6 tháng, đạt 25.177 xe (giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái).

Ở vị trí thứ hai là Honda với 12.035 xe (giảm 27%), vị trí số ba là Thaco Truck với 10.924 xe (giảm 1%), vị trí số bốn là Mazda với 10.524 xe (giảm 39%), và ở vị trí số 5 là Mitsubishi với 10.301 xe (giảm 17%).

[Thị trường ôtô như thế nào sau một tuần giảm 50% phí trước bạ?]

So với gần 400 nghìn ôtô bán ra trong năm 2019, có thể thấy chặng đường đuổi kịp doanh số năm ngoái trong nửa năm còn lại sẽ vô cùng khó khăn với ngành ôtô Việt Nam bởi sức mua sắm người dân đã thấp đi khá nhiều bởi khó khăn kinh tế từ dịch bệnh.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất lẫn đại lý xe liên tục đưa ra các chính sách giảm giá, xả hàng xe để kích cầu người tiêu dùng, cứu vãn doanh số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra các chính sách hấp dẫn đối với nền công nghiệp ôtô như giảm 50% phí trước bạ, hay sắp tới là ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ôtô nội để thúc đẩy nền công nghiệp “hậu COVID-19”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục