Thiếu hụt chất bán dẫn - chỉ dấu cho hồi kết kỷ nguyên toàn cầu hóa?

Tổng thống Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã triển khai, những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, mặt hàng đang được “săn lùng” nhiều nhất.
Thiếu hụt chất bán dẫn - chỉ dấu cho hồi kết kỷ nguyên toàn cầu hóa? ảnh 1Chất bán dẫn. (Nguồn: Reuters)

Một năm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, cung và cầu trong nền kinh tế thế giới đều giảm mạnh.

Khi dịch bệnh mới xuất hiện, tâm lý lo sợ thiếu nguồn cung nhu yếu phẩm đã dẫn đến tình trạng nhiều người tích trữ số lượng lớn giấy vệ sinh và nước sạch.

Ngay sau đó, nhu cầu về các dịch vụ như nhà hàng, hòa nhạc, hoạt động giải trí, và bán lẻ tại các cửa hàng giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao và nhu cầu tiêu dùng lại càng bị hạn chế.

Ở chiều ngược lại, nhờ các dịch vụ trực tuyến ngày càng hấp dẫn người tiêu dùng, tính đến tháng 1/2021, khối lượng tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng hơn 40% so với một năm trước đó.

“Người khổng lồ” thương mại điện tử Amazon đã tuyển gấp đôi số lượng nhân viên để đáp ứng nhu cầu này.

[Mỹ quyết tâm ngăn chặn tái diễn "cơn khát" chất bán dẫn]

Cùng với những ảnh hưởng của các gói hỗ trợ COVID-19 mà Chính quyền của Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đã triển khai, những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, mặt hàng đang được “săn lùng” nhiều nhất hiện nay.

Trong bối cảnh nhiều nhân viên văn phòng đang làm việc tại nhà, nhu cầu đối với máy tính mới, webcam và các thiết bị khác tăng đột biến. Nhu cầu giải trí bằng TV và máy chơi game cũng tăng vọt. Và sau khi doanh số bán ôtô giảm mạnh vào giai đoạn đầu đại dịch, giờ đây nhu cầu đã tăng lại với tốc độ mạnh không kém.

Những người trước đây thường di chuyển bằng phương tiện công cộng đã chuyển sang sử dụng ôtô cá nhân.

Trong diễn biến mới đây, tình trạng thiếu chip máy tính chuyên dụng giúp tăng cường tiết kiệm nhiên liệu trong xe tải đang khiến toàn bộ dây chuyền lắp ráp loại xe này của GM ngưng trệ.

Do bán dẫn là trụ cột của nền kinh tế công nghệ cao, nên Chính quyền của ông Joe Biden hiện đang thúc đẩy đầu tư 37 tỷ USD để hỗ trợ phục hồi ngành sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ.

Với khoản kích thích khổng lồ của chính phủ này, có ý kiến cho rằng kỷ nguyên của toàn cầu hóa không giới hạn chuẩn bị kết thúc.

Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh về nghiên cứu các cơ sở sản xuất quốc gia và cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra như đại dịch và các mối đe dọa sinh học khác, tấn công mạng, cú sốc khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tấn công khủng bố, cạnh tranh địa chính trị và kinh tế.

Khởi đầu của xu hướng toàn cầu hóa chất bán dẫn

Lịch sử ra đời phát triển của mạch tích hợp bán dẫn hay còn gọi là “chip máy tính” liên hệ mật thiết với sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu vào cuối thế kỷ XX.

Cơ sở nghiên cứu Bell Labs, với nguồn vốn đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu và phát triển, đã thành công khi phát minh ra bóng bán dẫn vào năm 1947.

Sự phát triển của công nghệ máy tính là kết quả của cuộc Chiến tranh Lạnh với việc các chính phủ rót vốn ngân sách vào ngành công nghiệp quốc phòng và cuộc chạy đua vào vũ trụ.

Để bảo vệ công nghệ hoàn toàn mới, độc quyền và rất đắt đỏ này, các công ty bán dẫn đều chọn chiến lược “liên kết theo chiều dọc.”

Chỉ một công ty duy nhất lên kế hoạch, thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm các sản phẩm của mình. Các công ty Nhật Bản và châu Âu đã tìm cách cạnh tranh với các công ty bán dẫn Mỹ.

Tuy nhiên, những bước nhảy vọt trong công nghệ bán dẫn đã làm thay đổi mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ đang trên đà phát triển.

Sự kiện các vi mạch tích hợp (IC hay còn gọi là chip nhớ) và bộ xử lý trung tâm (CPU) “khai sinh” ra máy tính cá nhân vào những năm 1980 đã khiến nhu cầu của sản phẩm này tăng vọt, vượt quá khả năng sản xuất của các công ty Mỹ.

Do đó, các sáng kiến mới về thông tin truyền thông và quản trị hàng tồn kho đã thúc đẩy việc chuyển giao hoạt động sản xuất chip do Mỹ thiết kế cho các nước Đông Á.

Việc cắt giảm các quy định của chính phủ và nới lỏng hàng rào thương mại ở Mỹ cho phép xu hướng chuyển giao này gia tăng nhanh chóng.

Chỉ những nơi có quy định nghiêm ngặt và nguồn trợ cấp công nghiệp đủ lớn mới có thể đáp ứng yêu cầu về quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ.

Vào thời điểm đó, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã đi đầu trong việc xây dựng các “xưởng đúc” chỉ dành cho sản xuất chất bán dẫn.

Tập đoàn TSMC của Đài Loan hiện đang nắm giữ thị phần toàn cầu lớn nhất (28%) về sản xuất chất bán dẫn, xếp thứ hai cũng là một công ty Đài Loan khác với 13%.

Một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa chất bán dẫn trong những thập kỷ gần đây là sức hấp dẫn của “công xưởng thế giới” Trung Quốc.

Giảng viên về chính trị Trung Quốc tại trường Đại học Southampton - Tiến sỹ Ming-Chin Monique Chu đã lập luận rằng quy mô các công ty Mỹ và Đài Loan di chuyển các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc đã lớn tới mức điều này đặt ra một thách thức an ninh nghiêm trọng cho cả Mỹ, Đài Loan và Trung Quốc.

Quân đội Mỹ và Bộ Thương mại nước này từ lâu đã tăng cường các biện pháp kiểm soát thương mại nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, như chất bán dẫn - vốn được coi là mặt hàng “lưỡng dụng” (sử dụng trong cả quân sự và dân sự).

Chỉ vào những năm 2000, Mỹ và Đài Loan mới xuất khẩu các máy móc chế tạo silicon sang Trung Quốc, nhưng chỉ những công nghệ cấp thấp và công việc đòi hỏi kỹ năng không cao.

Tuy nhiên, sau đó ngành công nghiệp bán dẫn đã phát triển mạnh mẽ và Trung Quốc đã có được những thành tựu trong sản xuất các con chip bé nhỏ nhưng vô cùng quan trọng này.

Kiểm soát công nghệ bán dẫn vẫn đang là mối lo thường trực trong năm 2021.

Công ty ASML Holding của Hà Lan là công ty duy nhất chế tạo máy quang khắc tia cực tím để sản xuất chip 5nm, và số lượng khá hạn chế.

Trong khi đó, TSMC gần như độc quyền sử dụng các máy này cho đến khi Mỹ vào tháng 11/2019 đưa ra biện pháp ngăn ASML bán các máy này cho Trung Quốc.

Những lo ngại về an ninh vẫn luôn ảnh hưởng tới quá trình toàn cầu hóa của chất bán dẫn và đây là lý do tại sao một số công ty vẫn giữ thế độc quyền trong một số phân đoạn của chuỗi cung ứng.

Vai trò của “nguồn vốn xã hội” khi đối mặt với khủng hoảng

Đại dịch COVID-19 chỉ là nguyên nhân thứ hai gây ra sự thiếu hụt chất bán dẫn trong thập kỷ qua.

Trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/3/2011 đã khiến một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Nhật Bản ngừng hoạt động.

Nhà máy sản xuất chất bán dẫn của tập đoàn Resenas - nhà cung cấp chất bán dẫn cho các dây chuyền lắp ráp ôtô của Toyota và Nissan, bị thiệt hại nặng.

Sự thiếu hụt chip vào thời điểm đó đã suýt nữa làm “đóng băng” ngành sản xuất ôtô ở cả Nhật Bản và trên toàn thế giới.

Thiếu hụt chất bán dẫn - chỉ dấu cho hồi kết kỷ nguyên toàn cầu hóa? ảnh 2Renesas Electronics - một trong các nhà sản xuất chip ôtô lớn nhất thế giới. (Nguồn: Getty Images)

George Olcott và Nick Oliver - đồng tác giả của bài phân tích “Nguồn vốn xã hội, Nhận thức và Phục hồi: Các công ty Nhật Bản và trận động đất năm 2011” - đã giải thích rằng các tập đoàn Nhật Bản có thể phục hồi nhanh chóng sau thảm họa, bất chấp việc họ sở hữu các chuỗi cung ứng phức tạp, vì có sự tương trợ lẫn nhau hay còn gọi là “nguồn vốn xã hội.”

Khoảng 200-400 đối tác của Resenas đã cử công nhân đến giúp và đề nghị hỗ trợ tiền để giúp tập đoàn này nhanh chóng khôi phục hoạt động.

Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã hỗ trợ điều phối các nỗ lực ứng cứu, ưu tiên nguồn lực nhằm đưa các dây chuyền lắp ráp hoạt động trở lại nhanh chóng. Họ cũng cung cấp các khóa đào tạo về kỹ thuật cho những người lao động được cử đến Resenas để trợ giúp khẩn cấp.

Resenas phải chấp nhận thay đổi chính sách bảo vệ thông tin mật về quá trình sản xuất và nghiên cứu chip tại các cơ sở của mình để nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.

Các công ty Nhật Bản đã đi tiên phong với các sáng kiến giúp tiết kiệm chi phí quản lý hàng tồn kho và xây dựng chuỗi cung ứng “tinh gọn” trong những năm 1970-1980.

Đây là chuỗi cung ứng được thiết kế nhằm loại bỏ lãng phí trong toàn chuỗi, tối ưu hóa nguồn lực, rút ngắn thời gian sản xuất và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Các quốc gia khác đã cố gắng áp dụng các biện pháp này trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Lợi và hại của toàn cầu hóa

Các nhà nghiên cứu kinh tế và chính sách đối ngoại hiện đang “đau đầu” cân nhắc giữa chi phí và lợi ích của toàn cầu hóa. Cho đến rất gần đây, các tổ chức này thường ủng hộ các khái niệm về thị trường tự do, hàng tồn kho thấp và việc giảm bớt quy định của chính phủ sẽ mang lại cả lợi nhuận cao nhất cho các công ty và mang lại lợi ích xã hội về lâu dài.

Trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19, biến đổi khí hậu và căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, các nhà nghiên cứu hiện đang đặt nền kinh tế toàn cầu vào một khuôn khổ địa chính trị “thực dụng” hơn, đồng thời nhấn mạnh việc lập kế hoạch và xây dựng chính sách ngoại giao để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế dài hạn.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague của Hà Lan đã đề xuất các biện pháp để góp phần thúc đẩy các nỗ lực phục hồi sau COVID-19 và ngăn ngừa các nguy cơ thiếu hụt nguồn cung có thể nảy sinh trong tương lai.

Các chuyên gia tin rằng “chủ nghĩa dân tộc” về tài nguyên có vai trò quan trọng, và các quốc gia không giàu mạnh chỉ nhờ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc nguồn thu thuế, mà còn cần có khả năng tiếp cận với những mặt hàng bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Các chính sách được đề xuất như khuyến khích liên kết theo chiều dọc trong các ngành công nghiệp, đầu tư vào dự trữ chiến lược và thậm chí tái áp đặt hạn ngạch xuất khẩu, thuế quan và quy định cấp phép chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực trong nước, một việc cũng quan trọng không kém là đa dạng hóa nguồn cung và các mối quan hệ thương mại. Việc này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc tổng thể vào sản xuất tại Trung Quốc, cho dù cái giá phải trả là chi phí lao động cao hơn.

Các quốc gia cũng có thể xây dựng một mạng lưới nguồn cung ở các nước đồng minh để hỗ trợ lẫn nhau với các nguồn lực bổ sung trong thời gian khủng hoảng. Như trong trường hợp của Nhật Bản, bài học ở đây là phối hợp các liên minh ngoại giao trên cơ sở các ngành công nghiệp.

Cuối cùng, các chuyên gia khuyến nghị nhà nước cần tăng cường chính sách khuyến khích R&D trong nước để đảm bảo lợi nhuận bền vững dài hạn. Đây là giải pháp tốt nhất cho xu hướng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn bằng cách cắt giảm chi phí và đưa sản xuất ra nước ngoài trong những thập kỷ gần đây.

Các quốc gia như Trung Quốc trước đây chỉ tập trung vào sản xuất gia công hiện đang bắt đầu chuyển sang tự thiết kế và nghiên cứu sản phẩm riêng của họ, nhằm duy trì tính cạnh tranh trong một thế giới có nguồn lực hạn chế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục