Thu ngân sách: Vượt dự toán nhưng ‘dựa dẫm’ vào đất và dầu thô?

Tổng thu ngân sách năm nay có thể vượt hơn 39.000 tỷ đồng so với dự toán nhưng vấn đề là khoản vượt này phần lớn tới từ nguồn thu không ổn định.
Thu ngân sách: Vượt dự toán nhưng ‘dựa dẫm’ vào đất và dầu thô? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng thu ngân sách năm nay có thể vượt hơn 39.000 tỷ đồng so với dự toán nhưng vấn đề là khoản vượt này phần lớn tới từ nguồn thu không ổn định.

Tăng thu do lập dự toán thấp

Trong "Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019", cơ quan này dẫn dự kiến thu ngân sách năm nay của Chính phủ là trên 1.358 tỷ đồng, vượt 39.000 tỷ đồng so với dự toán (tăng 3% so với dự toán).

[Thu ngân sách 9 tháng được 962.000 tỷ đồng, chi 989.000 tỷ đồng]

Tuy nhiên, phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đây là mức thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây (quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán).

Số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong đó nhà, đất tăng 35,9% (38.705 tỷ đồng), dầu thô tăng 53,2% (19.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nêu lên vấn đề là thu từ đất không ổn định trong khi thu từ dầu thô chủ yếu do giá dầu lập dự toán thấp hơn thực tế.

Trong khi ấy, thực tế, nguồn thu từ 3 khu vực không đạt dự toán. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,9% (4.908 tỷ đồng), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,1%, (33.646 tỷ đồng), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 2,2% (4.855 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách trên địa bàn của các địa phương cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn. Một loạt cái tên được nhắc tới là: Thành phố Hồ Chí Minh 97%, Hà Nội 94,1%, Vĩnh Phúc 88,8%, Bình Dương 90,5%, Hải Phòng 94% so với dự toán.

Với thuế, phí, theo cơ quan kiểm toán, tỷ lệ huy động từ thuế, phí dự kiến đạt 20,7% GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra 21% GDP.

Ngoài ra, qua kiểm toán, cơ quan này thấy rằng, tình trạng phổ biến kê khai thuế không đầy đủ, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước còn chưa nộp kịp thời vào ngân sách 516 tỷ đồng.

“Việc quản lý phần thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên việc xác định do các địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế và làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi 3.856 tỷ đồng,” báo cáo của ngành kiểm toán nêu lên.

Giải ngân thấp, gây lãng phí ngân sách

Về chi ngân sách, theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, tổng chi năm nay khoảng 1,562 triệu tỷ đồng, tăng 39.200 tỷ đồng so với dự toán. Trong số này, chi đầu tư phát triển ước thực hiện cả năm trên 418.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với dự toán, chi thường xuyên ước thực hiện 952.900 tỷ đồng, tăng 1,3% so với dự toán.

Phía Kiểm toán Nhà nước bày tỏ cơ bản thống nhất với đánh giá về tình hình thực hiện dự toán chi. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm, 9 tháng mới đạt 50,9% dự toán, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Báo cáo ngành kiểm toán chỉ ra, việc thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ) những tháng đầu năm chậm. Số vốn giải ngân 9 tháng với vốn trong nước đạt 55,1% trong khi vốn ngoài nước chỉ đạt 27,3% dự toán. Đặc biệt, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung (thấp hơn 50% dự toán).

Việc giải ngân thấp, nhất là trái phiếu Chính phủ theo đánh giá dẫn đến lãng phí ngân sách Nhà nước.

Vấn đề khác theo Kiểm toán Nhà nước là chất lượng công tác lập dự toán năm 2018 còn hạn chế. Trong quá trình điều hành 9 tháng, Chính phủ còn phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán vốn ngoài nước năm 2018 là trên 288 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã phải xem xét, quyết định phương án phân bổ sử dụng dự toán chi thường xuyên bố trí cho các lĩnh vực chi ngân sách Trung ương (nhưng chưa giao đầu năm) để thực hiện các chế độ, chính sách 9.017 tỷ đồng .

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước còn nhắc tới việc phân bổ, giao vốn kế hoạch chậm. Theo đó, số vốn trung hạn đã giao giai đoạn 2016-2018 là 1,073 triệu tỷ đồng/2 triệu tỷ đồng, bằng 53,7% kế hoạch. Tính đến 30/6, số giải ngân chiếm khoảng 37,3% kế hoạch trung hạn đã giao.

Về bội chi, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách năm 2018 là 204.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ bội chi kế hoạch Quốc hội đã quyết định .

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, bội chi ngân sách có thể giảm nếu Chính phủ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm nay phù hợp với khả năng giải ngân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục