Thủ tướng: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370 ha lúa và hoa màu bị đổ dập....
Thủ tướng: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2018 tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 20/6 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vừa là trước mắt, vừa là lâu dài. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Cùng dự hội nghị có các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực; Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài - Phó trưởng ban cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Chủ động chỉ đạo và bám sát thực tiễn thiên tai

Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống thiên tai; trong đó chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và người dân được cung cấp thường xuyên thông tin về dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Các hoạt động thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được đẩy mạnh và có nhiều cải tiến với nhiều hình thức phong phú hiệu quả; kết hợp chặt chẽ các phương tiện hiện đại (phát thanh, truyền hình, website, facebook, tin nhắn viber...) với các công cụ truyền thống (loa phóng thanh, loa cầm tay, cồng chiêng, tù và, trống phách…). Tần suất cung cấp thông tin được tăng lên nhiều lần, phản ánh kịp thời các diễn biến và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức các cuộc thi phim, phóng sự, câu chuyện truyền thanh.

Bên cạnh đó, công tác di dời, sơ tán dân, chỉ đạo vận hành hồ chứa, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, hoạt động hỗ trợ dân sinh được thực hiện tốt, nhất là việc tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men và chỗ ở không để người dân bị đói, rét, đảm bảo vệ sinh môi trường phòng ngừa dịch bệnh...

[Cấp bách giải quyết sạt lở, sụt lún đất và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL]

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng công tác phòng chống thiên tai vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai còn nhiều khoảng trống và tồn tại bất cập ảnh hưởng đến việc triển khai, áp dụng trên thực tế; tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai còn thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Một số địa phương sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn chậm trễ, lúng túng, chưa đúng mục đích, hiệu quả chưa cao.

Cơ chế, chính sách trong xã hội hóa công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, chưa thu hút sự tham gia tích cực của khối tư nhân vào hoạt động phòng chống thiên tai.

Hệ thống cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ ra quyết định của cơ quan tham mưu phòng chống thiên tai (Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy) từ Trung ương đến các địa phương, còn chưa đầy đủ, đồng bộ dẫn đến nhiều tình huống lúng túng, không kịp thời, gây lãng phí nguồn nhân lực. Ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong phòng chống thiên tai còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường.

Công tác thông tin, tuyên truyền chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên, bài bản, thiếu kịp thời nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, làm cơ sở tổ chức triển khai, thực thi đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: sửa đổi các Luật Phòng, chống thiên tai, đê điều; nghị định về khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai; Quỹ Phòng chống thiên tai...

Cùng với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai.

"Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện phương châm '4 tại chỗ' của các cấp chính quyền và người dân phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tăng cường kiểm tra vi phạm trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi; khai thác cát, sỏi lòng sông, bãi sông; quản lý quy hoạch lũ; quy hoạch đất đai…; kiểm soát hoạt động kinh tế xã hội nhằm ngăn chặn gia tăng rủi ro thiên tai," Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai; rà soát soát các quy định, đề xuất hướng dẫn quy trình tổ chức thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tránh kéo dài như hiện nay. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, ưu tiên các hộ dân phải di dời nhưng chưa có nhà ở hoặc vùng có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ các Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, an toàn hồ chứa... xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.

Thủ tướng: Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ phòng chống thiên tai được trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là trong dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; hợp tác chia sẻ thông tin với các nước trong khu vực và quốc tế, nhất là phía thượng nguồn về tình huống xả lũ khẩn cấp, về bão mạnh, siêu bão với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên biển; nghiên cứu xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật độ trạm quan trắc khí tượng thủy văn.

Nhấn mạnh đến việc xác định rõ thông tin, truyền thông là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Mùa bão cuối năm 2019 có xu hướng hoạt động muộn hơn

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2018, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cực đoan, vượt nhiều mốc lịch sử, thiệt hại kinh tế trên thế giới ước tính 146 tỷ USD.

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2018 mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai.

Năm 2018, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích (92 người do mưa lũ (chiếm 41%); 82 người do lũ quét, sạt lở đất (chiếm 37%); 50 người do các thiên tai khác (chiếm 22%)); 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão...

Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2017 (ước tính gần 60.000 tỷ đồng làm 386 người chết và mất tích).

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích, hơn 18.200 nhà bị sập đổ, hư hỏng; 27.370 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 5.077ha cây công nghiệp, cây hàng năm và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 12.700 con gia súc, gia cầm bị chết; sạt lở trên 22.300m3 đất đá, bêtông; 1.427m đê, kè; hơn 1.100m bờ sông, bờ suối. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng.

Xu thế thời tiết sáu tháng cuối năm 2019, theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn và ít hơn so với trung bình nhiều năm với khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Từ tháng 6-8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức báo động 1-báo động 2, các sông suối nhỏ trên báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.

Mùa khô 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8-9/2019, nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung, Nam Trung Bộ.

Trong mùa lũ 2019, dự báo đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1-báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục