Tiêu thụ tài nguyên toàn cầu lần đầu tiên đạt 100 tỷ tấn/năm

Theo báo cáo mới được công bố, hiện thế giới đang sử dụng hơn 100 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên mỗi năm, khiến các nhà nghiên cứu cảnh báo về một "thảm họa toàn cầu."
Tiêu thụ tài nguyên toàn cầu lần đầu tiên đạt 100 tỷ tấn/năm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AIMN)

Theo báo cáo Circularity Gap 2020 công bố ngày 21/1, thế giới đang sử dụng hơn 100 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên mỗi năm, lần đần đầu tiên đạt ngưỡng tiêu thụ này trong khi việc tái chế nguyên liệu thô toàn cầu đang giảm, khiến các nhà nghiên cứu cảnh báo về một "thảm họa toàn cầu.”

Báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Cicle Economy (có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan) dựa trên các số liệu mới nhất cho biết các nguồn tài nguyên phục vụ kinh tế thế giới tăng hơn 8% chỉ trong 2 năm, từ 93 tỷ tấn vào năm 2015 lên 100,6 tỷ tấn vào năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, kim loại và sinh khối đưa vào nền kinh tế để tái sử dụng đã giảm, từ mức vốn rất khiêm tốn là gần 9,1% xuống còn 8,6%.

Từ năm 1970, dân số thế giới đã tăng gấp đôi, nền kinh tế toàn cầu tăng gấp 4 lần, và thương mại tăng 10 lần, một lộ trình không ngừng làm tăng nhu cầu về năng lượng và tài nguyên. Tài liệu trên cũng dự báo việc sử dụng nguyên liệu toàn cầu được sẽ tăng lên mức 170-184 tỷ tấn vào giữa thế kỷ này.

Giám đốc của tổ chức trên, cũng là tác giả báo cáo, ông Marc de Wit cho biết: "Không quốc gia nào đáp ứng nhu cầu tối thiểu của công dân nước mình mà đảm bảo vận hành trong giới hạn sinh học của hành tinh này".

Về phần mình, Giám đốc điều hành (CEO) Harald Friedl nhận định: "Đây thực sự là một tin tồi tệ khi bắt đầu năm mới, cho thấy một điều duy nhất là cần phải hành động.” Theo ông Friedl, thế giới ban đầu dựa trên việc khai thác nguyên liệu thô để tạo ra tăng trưởng kinh tế, thay vì sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên sẵn có. Ông cảnh báo: "Chúng ta có nguy cơ đối mặt với thảm họa toàn cầu nếu tiếp tục cách sử dụng tài nguyên không có giới hạn như hiện nay.” Ông kêu gọi tăng cường hành động để giữ mức tăng nhiệt toàn cầu trong giới hạn trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

[Video] Con người đã dùng hết 'ngân sách' tài nguyên năm 2019

Theo ông Friedl, các chính phủ cần đi đầu trong việc thay đổi các nền kinh tế của mình, bằng cách phối hợp các chiến lược quay vòng tái sử dụng, làm việc với các doanh nghiệp, các nhóm môi trường và giới học giả, và tạo ra các lộ trình quốc gia cụ thể. Báo cáo trên cho biết đến nay, 13 quốc gia châu Âu đã thông qua các lộ trình như vậy và năm 2019, Colombia đã trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên khởi động một chính sách tương tự.

Các tác giả báo cáo trên cho biết để cải thiện mức sống, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp trong khi bảo vệ các hệ sinh thái cung cấp nước sạch, không khí và đất, thế giới phải tăng nguồn tài nguyên tái tạo. Báo cáo cho biết các nước giàu tiêu thụ tài nguyên nhiều gấp 10 lần (tính trên đầu người) so với các nước đang phát triển, và thải gia nhiều rác hơn nhiều. Nhiều trong những thứ nước giàu tiêu dùng đến từ các quốc gia kém phát triển hơn, trong khi họ xuất khẩu rác sang các nước này.

Vì vậy, các nước giàu cần "chịu trách nhiệm về tác động của hoạt động xuất, nhập khẩu của mình.” Báo cáo trên cũng ghi nhận tỷ lệ tái chế cao hơn tại các nước nghèo hơn, khi rác có thể "tạo ra một nguồn thu nhập giá trị đối với những người lao động không chính thức.” Chẳng hạn, Trung Quốc có những công viên công nghiệp sinh thái tiêu biểu, ở đó rác thải của một công ty trở thành nguyên liệu đầu vào cho một công ty khác.

Nhiều nhóm môi trường cũng nhấn mạnh để giảm rác thải và khí thải gây hiệu ứng nhà kính và quản lý tốt tình trạng biến đổi khí hậu, các nền kinh tế cần tái sử dụng và tái chế các sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục