Tìm lời giải giảm tải bệnh viện tuyến trên

Trong khi cơ sở vật chất và nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, thì việc giải quyết tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên không thể một sớm một chiều.
Những ngày gần đây, nhiều người bệnh, nhất là các cháu nhỏ mắc các bệnh về đường hô hấp, các bệnh lây truyền phải nằm ghép 3 bệnh nhân một giường tại các bệnh viện Nhi ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vấn đề quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương tiếp tục là và căn bệnh trầm kha của ngành y tế và cộng đồng. Đây là một trong nguyên nhân dẫn đến thái độ phục vụ và cách ứng xử gây ra sự bất bình, khiến cho ngày càng nhiều người dân lên tiếng phản ứng về những ca bệnh không được điều trị và cứu chữa kịp thời...

Lời giải từ đầu tư cải tổ


Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm ngoại khoa lớn nhất khu vực phía Bắc đã giải quyết việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm áp lực quá tải bệnh viện bằng nhiều giải pháp.

Theo đó, Ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức đầu tư cải tổ tinh thần, thái độ phục vụ; cải cách hành chính giảm phiền hà cho người bệnh và thực hiện thu viện phí 24/24 giờ mỗi ngày. Ban Giám đốc bệnh viện đã đề ra quy chế thưởng phạt nghiêm minh, như: Xây dựng quy chế cụ thể cho điều dưỡng, phiếu đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ y tế bệnh viện với tiêu chí rõ ràng, cụ thể phát đến tận tay bệnh nhân; hạn chế tối đa việc nằm ghép; đảm bảo thu viện phí 24/24 giờ mỗi ngày...

Nhờ vậy, từ một bệnh viện luôn quá tải thậm chí mất trật tự tại Khoa khám bệnh và cấp cứu, người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường..., đến nay, tình trạng này hầu như không còn thấy ở Bệnh viện Việt Đức. Người bệnh đã thoải mái và yên tâm điều trị tại bệnh viện.

Đối với điều trị nội trú, để giảm quá tải, nhiều bệnh viện đã kê thêm giường, hạn chế tối đa diện tích dành cho khu hành chính, sắp xếp các khoa, phòng hợp lý, điển hình như Bệnh viện đa khoa trung ương Huế. Năm 2009, bệnh viện đã triển khai thêm 135 giường ở một số khoa quá tải bệnh nhân, do đó dù bệnh nhân nội trú tăng gần 15% nhưng công suất sử dụng giường bệnh vẫn duy trì ở mức tương đương với năm 2008.

Bên cạnh đó, các bệnh viện trong cả nước đã tổ chức quản lý điều trị ngoại trú đối với các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính; rút ngắn thời gian điều trị nội trú nhờ trang thiết bị chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả.

Nhiều biện pháp rút ngắn thời gian điều trị đã được triển khai có hiệu quả như: Cải tiến công tác chuẩn bị trước mổ, điều trị các bệnh lý phối hợp nếu có, xét nghiệm tiền phẫu, hẹn ngày nhập viện để lên lịch phẫu thuật giúp người bệnh chủ động không phải nằm viện chờ đợi đồng thời áp dụng các mô hình chăm sóc sản phụ tại nhà, thay băng, cắt chỉ cho bệnh nhân sau phẫu thuật như tại bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Phụ sản Trung ương....

Bệnh nhân ra viện theo kế hoạch, thủ tục ra viện được thực hiện ngày hôm trước, cán bộ y tế tư vấn và hướng dẫn người bệnh cách theo dõi, chăm sóc tại nhà, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng sinh hoạt theo bệnh lý.

Không thể một sớm một chiều


Thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung giải quyết 5 vấn đề nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện; nâng cao năng lực y tế cơ sở; đẩy mạnh xã hội hoá công tác khám chữa bệnh; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh; sửa đổi, bổ sung một số văn bản về công tác khám chữa bệnh nhưng vấn đề quá tải và tinh thần thái độ phụ vụ vẫn chưa được cải thiện là tồn tại ở các cơ sở y tế.

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Y tế về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, đã có 70 bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, thành phố đã có các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh trong việc đón tiếp, khám chữa bệnh.

Hầu hết các khoa khám bệnh ở bệnh viện thực hiện khám bệnh sớm hơn giờ quy định từ 15 phút tới 1 giờ; thành lập các đội hướng dẫn người đến khám; thực hiện phát số khám bệnh tự động, công khai qua hệ thống màn hình để người bệnh tự giám sát.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện bố trí nơi thu phí khám bệnh riêng biệt với khu vực thu viện phí khác; trang bị thêm ghế ngồi, hệ thống ti vi kết hợp đưa các thông tin giáo dục sức khỏe trong thời gian người bệnh chờ khám. Một số bệnh viện triển khai hẹn khám theo giờ qua điện thoại đối với người bệnh không phải đối tượng cấp cứu để chủ động phân bổ thời gian, giảm thời gian chờ đợi và chủ động bố trí thời gian khám chữa bệnh.

Nhờ các giải pháp tích cực, tình trạng quá tải ở bệnh viện bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, nhiều bệnh viện đã cải tạo khu vực lấy bệnh phẩm, nơi trả kết quả và nơi xét nghiệm theo yêu cầu riêng biệt. Nhằm giải quyết ùn tắc, các bệnh viện trả kết quả xét nghiệm ngay trong ngày. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh nhân nội trú, khám bệnh ngoại trú, cấp phát thuốc, viện phí và quản lý xét nghiệm. Nhờ vậy, tình trạng quá tải bệnh viện đã được hạn chế.

Tuy nhiên tình trạng quá tải vẫn còn khá phổ biến tại các khoa nhi, bệnh viện Nhi trung ương ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... vào các vụ dịch, thời tiết thay đổi bất thường.

Các chuyên gia nhận định: Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, thì việc giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên không thể một sớm một chiều./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục