Tổng thống chuyển tiếp của Mali không đủ điều kiện tham gia bầu cử?

Theo một tài liệu được đưa ra vào ngày 12/2, một dự luật do quân đội Mali soạn thảo sẽ loại trừ ông Goïta, người đứng đầu lực lượng đảo chính khỏi mọi cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai.
Tổng thống chuyển tiếp của Mali không đủ điều kiện tham gia bầu cử? ảnh 1Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita (giữa). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/2, các phương tiện truyền thông địa phương cho biết báo cáo của các Hội nghị Tái thiết quốc gia (ANR) vừa diễn ra tại Mali đã được trình lên Tổng thống chuyển tiếp Assimi Goïta, người đã tuyên bố thành lập một ủy ban quốc gia về giám sát và đánh giá việc thực hiện khuyến nghị của các cuộc thảo luận.

Trong một buổi lễ được tổ chức vào ngày 11/2, Tổng thống Goïta nhắc lại rằng ANR là cần thiết vì việc quản trị nhà nước ở Mali đã thất bại.

Theo ông, cần phải thay đổi cốt lõi của hệ thống quản trị nhà nước ở Mali.

Tổng thống Goïta cũng đã thông báo về việc thiết lập một khuôn khổ thể chế thông qua Ủy ban Giám sát và đánh giá quốc gia để thực hiện các khuyến nghị của ANR như đề xuất được đưa ra trong báo cáo trên.

[Chính phủ Mali yêu cầu UEMOA dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt]

Ngoài bối cảnh và lý do của hội nghị này cũng như các mục tiêu và kết quả mong đợi, báo cáo còn đề cập đến cách thức ANR được tổ chức trên thực tế, từ địa phương tới trung ương.

Trong khi đó, theo một tài liệu được đưa ra vào ngày 12/2, một dự luật do quân đội Mali soạn thảo sẽ loại trừ ông Goïta, người đứng đầu lực lượng đảo chính khỏi mọi cuộc bầu cử tổng thống trong tương lai.

Tài liệu này cho biết Tổng thống chuyển tiếp của Mali không đủ điều kiện tham gia các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp được tổ chức để chuyển đổi từ chế độ quân sự sang dân sự.

Tuy nhiên, điểm gây tranh cãi giữa chính quyền Mali và khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) là thời gian diễn ra các cuộc bầu cử lại không được đề cập trong văn bản trên.

Sau khi chính quyền Mali hoãn các cuộc bầu cử như đã cam kết sau cuộc đảo chính năm 2020, ECOWAS đã áp đặt một lệnh cấm vận thương mại đối với nước này, đồng thời các quốc gia thành viên của khối trên cũng đóng cửa biên giới với Mali, một động thái được Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ.

Chính quyền Mali đã đề xuất một lịch trình chuyển đổi dân sự trong vòng 5 năm bất chấp cam kết trước đó là tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 27/2 năm nay.

Ngày 11/2 vừa qua, Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (CNT), cơ quan lập pháp do quân đội Mali thành lập sau cuộc đảo chính tháng 8/2020, đã bắt đầu xem xét một văn bản về cải cách quy định chuyển đổi này.

Trước đó, ngày 9/2, chính quyền Mali cho biết đang đàm phán với ECOWAS cũng như các tổ chức khác để tiến tới một thỏa hiệp trong việc khôi phục chính quyền dân sự tại quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục