Chính phủ Mali yêu cầu UEMOA dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt

Chính phủ Mali cho rằng các biện pháp trừng phạt mà UEMOA đang áp đạt sẽ gây ra những hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng không thể tránh khỏi đối với người dân nước này và tiểu vùng Tây Phi.
Chính phủ Mali yêu cầu UEMOA dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh 1Đại tá Assimi Goita, lãnh đạo của hai cuộc đảo chính quân sự và tân tổng thống lâm thời trong lễ nhậm chức ở Bamako, Mali ngày 7/6/2021. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Chính phủ Mali ngày 7/2 đã yêu cầu Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được cho là sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người dân nước này.

Khối Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 quốc gia thành viên và Liên minh UEMOA đều áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mali từ ngày 9/1 vừa qua, sau khi chính quyền quân sự nước này quyết định trì hoãn cuộc bầu cử quốc gia.

UEMOA, bao gồm 8 quốc gia thành viên, tính cả Mali, đã chỉ thị tất cả các tổ chức tài chính dưới sự bảo trợ của liên minh này ngay lập tức đình chỉ hợp tác với Bamako.

Về phần mình, Bamako cáo buộc các biện pháp trừng phạt đã khiến Mali vỡ nợ trái phiếu trị giá 31 triệu USD hồi tuần trước.

[Pháp cảnh báo tình hình ở Mali đang trở nên mất kiểm soát]

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 7/2, Chính phủ Mali khẳng định Bamako chưa bao giờ được UEMOA thông báo chính thức về các biện pháp trừng phạt, đồng thời chỉ trích các biện pháp này vi phạm thủ tục pháp lý, không cân xứng, vô nhân đạo và bất hợp pháp.

Tuyên bố kêu gọi UEMOA tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng và dỡ bỏ, trên tinh thần công bằng, bình đẳng và đoàn kết, các biện pháp trừng phạt mà Mali cho là sẽ gây ra những hậu quả kinh tế xã hội nghiêm trọng, không thể tránh khỏi đối với người dân nước này và tiểu vùng Tây Phi.

Phía UEMOA hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc.

Mali đã phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất sau khi giới lãnh đạo quân đội nước này đi ngược lại thỏa thuận tổ chức bầu cử trong tháng 2/2022, thay vào đó đề xuất nắm giữ quyền lực cho đến năm 2025.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thủ tướng chuyển tiếp của Mali và các thành viên thân cận của Tổng thống lâm thời Assimi Goita./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục