TP.HCM: Triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa bệnh sởi

TP.HCM tổ chức chiến dịch tiêm vét cho tất cả các đối tượng trẻ từ 18-36 tháng tuổi và dự kiến có khoảng 80.000-100.000 trẻ cần được tiêm vét kể từ ngày 7/3.
TP.HCM: Triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa bệnh sởi ảnh 1Tiêm vắcxin phòng sởi cho trẻ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi diễn ra trên cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn mức độ lây lan của dịch bệnh, trong đó, công tác tiêm phòng được đánh giá là một trong những giải pháp hàng đầu.

Chiến dịch tiêm vét cho trẻ em dưới 3 tuổi đã được thực hiện, các gia đình có con nhỏ đều ý thức về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, dù bệnh sởi không bùng phát mạnh mẽ như ở phía Bắc, nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm sởi vẫn tăng so với năm trước.


Mở điểm tiêm miễn phí cho trẻ từ 3-6 tuổi

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, dịch sởi bắt đầu bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2013.

Vào thời điểm đó, gần 90% các ca mắc sởi rơi vào trẻ em dưới 3 tuổi. Chính vì vậy, tháng 2/2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị với Bộ Y tế cho phép tổ chức chiến dịch tiêm vét cho tất cả các đối tượng trẻ từ 18-36 tháng tuổi và dự kiến có khoảng 80.000 -100.000 trẻ cần được tiêm vét kể từ ngày 7/3.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, số ca trên 3 tuổi mắc bệnh gia tăng về mặt tỷ lệ so với năm 2013, trong đó có khoảng 70% các ca mắc sởi là trẻ em dưới 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên đến 10 tuổi chiếm hơn 20%.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: những đối tượng khác còn cảm nhiễm với sởi (từ 3 tuổi trở lên), nhưng không nằm trong độ phủ của chiến dịch, vì vậy việc tiêm dịch vụ cho trẻ là rất quan trọng.

Trong tuần này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đề xuất với Bộ Y tế mở các điểm tiêm miễn phí cho trẻ từ 3-6 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều.

Hiện tại, khi chưa có chương trình tiêm phòng sởi cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, Trung tâm y tế dự phòng thành phố khuyến cáo người dân có thể đưa con em đến các điểm tiêm dịch vụ để phòng sởi.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả 24 quận huyện đều có các điểm tiêm dịch vụ. Ngoài ra, tại các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã được Sở Y tế cấp phép cũng đều có tiêm vắcxin dịch vụ, trong đó có phòng ngừa sởi.

Trong những ngày này, tại các điểm tiêm phòng của Thành phố Hồ Chí Minh, không kể ngày thường hay ngày nghỉ, lượng người tới khám và tiêm luôn ở tình trạng quá tải.

Để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân, ngày 23/4, Trung tâm y tế dự phòng thành phố đã nhập thêm vắcxin phòng ngừa sởi.

Một số loại vắcxin khác như thủy đậu, 6 trong 1... dự kiến sẽ được cung cấp cho các điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn trong tháng Năm tới.

Chồng chéo giữa tiêm chủng mở rộng và dịch vụ

Trong chiến dịch tiêm vét sởi đang được thực hiện, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận đã có 17.000 trẻ được tiêm dịch vụ, không tham gia vào chương trình.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tiêm vắcxin dịch vụ hay theo chương trình thật ra chưa thể nói cái nào hơn cái nào. Có thể, do số lượng tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng lớn nên số biến chứng ghi nhận cũng nhiều hơn. Trong khi đó, lượng tiêm chủng dịch vụ còn ít và chưa có thống kê về các biến chứng xảy ra.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, vắcxin sởi rất nhạy cảm với nhiệt độ thấp, nếu nằm trong hệ thống tiêm chủng mở rộng thì dây chuyền đảm bảo từ Trung ương đến địa phương, còn tiêm dịch vụ thì người dân phải tới những nơi tin tưởng.

Nếu lựa chọn cơ sở tiêm không đảm bảo có thể sẽ xảy ra trường hợp, sau khi chích ngừa xong, mặc dù không thấy phản ứng gì nhưng thực tế thuốc lại không có tác dụng, lúc dịch tới người đã tiêm phòng vẫn bị mắc bệnh.

Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, nguồn cung vắcxin dịch vụ phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu trên thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu vào vấn đề này. Các điểm tiêm dịch vụ thường căn cứ tình hình dịch bệnh trong năm để dự kiến mua vắcxin cho năm kế tiếp.

Đối với các công ty sản xuất và kinh doanh vắcxin thì chắc chắn khi thấy có nhu cầu, tự khắc họ sẽ sản xuất và cung cấp kịp thời cho thị trường. Điều quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước vẫn đảm bảo đủ vắcxin cho các chiến dịch tiêm chủng mở rộng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, vắcxin trong chương trình còn tới khoảng 38.000 mũi thì việc thiếu vắcxin là hoàn toàn không có.

Để chất lượng tiêm phòng ngày càng cao, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, Bộ Y tế cần có các giải pháp để quản lý các điểm tiêm dịch vụ.

Theo bác sỹ Khanh, hiện nay việc tiêm chủng mở rộng và dịch vụ đang hoạt động chồng chéo nhau, cần phải chấn chỉnh lại. Chẳng hạn, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa sởi sẽ được thực hiện ngay khi trẻ được 9 tháng và tiêm mũi nhắc lại lúc 18 tháng.

Còn khi tiêm dịch vụ sởi là tiêm mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella), mũi này các cơ sở dịch vụ chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Do đó, những trẻ từ 9 - dưới 12 tháng tuổi chưa được tiêm sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bác sỹ Khanh nhấn mạnh: "Phải quản lý làm sao để khi người dân tới tiêm phòng tại các điểm dịch vụ thì phải được ghi nhận tên tuổi, địa chỉ,… để sau này khi có dịch bệnh xảy ra còn có thông tin để tra cứu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục