Trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ đã thực hiện các chương trình kế hoạch hóa gia đình nhằm hạn chế sự gia tăng dân số trong hoàn cảnh nguồn lực hạn chế.
Sau đó, khi nền kinh tế cất cánh nhờ quá trình tự do hóa vào những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách đã thay đổi chiến thuật. New Delhi cho rằng lực lượng lao động trẻ to lớn của đất nước là một “nguồn lực nhân khẩu học” và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Ấn Độ.
Giờ đây, sự hứa hẹn đó sẽ đối mặt với thử thách lớn hơn bao giờ hết. Liên Hợp Quốc đã dự đoán rằng Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ công dân vào tháng 4 năm nay.
Mặc dù tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã chậm lại trong những năm gần đây, quốc gia này có số lượng người dân trong độ tuổi lao động (1,1 tỷ) và tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (75% toàn dân số) lớn hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác.
Trong khi đó, Trung Quốc đang già đi. Lần đầu tiên sau hơn 60 năm, dân số Trung Quốc đã giảm đi vào năm 2022.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trước đây tăng vọt với tốc độ trung bình gần 10%/năm kể từ năm 1978, nhưng hiện đang trở nên suy yếu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng 3% vào năm 2022. Thậm chí, theo ước tính của chính Bắc Kinh, chỉ số này dự kiến sẽ chỉ tăng thêm 5% trong năm nay.
Sự gián đoạn của dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng với phương Tây cũng khiến các ngành công nghiệp và nhà đầu tư cân nhắc những điểm đến khác ngoài Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cho chuỗi cung ứng và nhà máy của họ.
Vì vậy, dân số và lực lượng lao động tiềm năng của Ấn Độ có thể đặt ra những câu hỏi kinh tế lớn - liệu Ấn Độ có khả năng tận dụng lợi thế khi Trung Quốc đang vướng vào một số cuộc chiến tranh kinh tế hay không? Hay đất nước này vẫn còn những “gót chân Achilles” nào đó, có thể làm hỏng giấc mơ lớn?
Câu trả lời ngắn gọn của các nhà kinh tế và phân tích hàng đầu cho những câu hỏi trên là: Sự phình to của số lượng thanh niên ở Ấn Độ là một con dao hai lưỡi. Để thu được lợi ích từ nó, Ấn Độ sẽ cần tạo đủ việc làm cho hàng triệu người gia nhập lực lượng lao động của nước này mỗi năm - một thách thức mà Ấn Độ đang thất bại.
Để kiến tạo nhiều việc làm mới, Ấn Độ cần thu hút đầu tư toàn cầu. Cánh cửa cơ hội đang thu hẹp lại và trừ khi Ấn Độ hành động nhanh chóng, lợi thế nhân khẩu học của nước này có thể dễ dàng biến thành cơn ác mộng thất nghiệp.
Dân số lớn, lợi hay hại?
Ngay sau khi giành được độc lập, Ấn Độ đã áp dụng chương trình kế hoạch hóa gia đình quy mô quốc gia đầu tiên trên thế giới vào năm 1952. Với dân số vào thời điểm đó khoảng 350 triệu người, trọng tâm của chương trình là khuyến khích các gia đình chỉ sinh hai con.
Sang những năm 1960, chính phủ Ấn Độ dưới thời cựu Thủ tướng Indira Gandhi bắt đầu phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn, để kiểm soát tỷ lệ sinh lúc đó ở mức gần 6 con/phụ nữ so với 2 con như hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước Ấn Độ vào thời điểm đó rất chậm, trung bình chỉ 4% từ những năm 1950 đến đầu những năm 1990. Theo Mahesh Vyas, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu dữ liệu Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) có trụ sở tại Mumbai, thời điểm đó dân số tăng nhanh bị coi là một vấn đề.
“Trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển kinh tế là tốc độ gia tăng dân số đáng báo động,” Bộ trưởng Y tế và kế hoạch hóa gia đình Ấn Độ S Chandrasekhar cho biết vào năm 1967. Các nước phương Tây cũng đồng tình với nhận định này.
Ngân hàng Thế giới đã cho Ấn Độ vay 66 triệu USD để chi cho các chương trình triệt sản. Vào những năm 1970, Ấn Độ đã thực hiện việc ép buộc triệt sản đối với hàng triệu nam giới.
Sau đó, vào giai đoạn những năm 1980 và 1990, Ấn Độ bắt đầu mở cửa nền kinh tế cho kinh tế tư nhân. Tốc độ tăng trưởng của đất nước đã tăng lên, lúc đầu ở mức 5,5% trong những năm 1990, sau đó đạt trung bình hơn 7% từ cuối những năm 2000.
Cùng với sự đi lên về kinh tế, tư tưởng của cơ quan quản lý cũng thay đổi. Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu nhìn nhận việc quy mô dân số trẻ ngày càng tăng là một lợi thế về nhân khẩu học, coi nó như một động lực để phát triển kinh tế hơn nữa.
Trên thực tế, theo Vyas, dân số trẻ là yếu tố đã giúp kinh tế của Ấn Độ tăng trưởng từ những năm 1990. “Vào những năm 1990, Ấn Độ đã khá thành công trong việc chuyển người dân từ trang trại lên các nhà máy. Đây là một sự thay đổi về văn hóa do những can thiệp chính sách đem lại và được hỗ trợ bởi những thay đổi về nhân khẩu học,” ông đánh giá.
Cũng theo Vyas, về lý thuyết, ngoài lực lượng lao động lớn, một lượng lớn dân số trẻ cũng có thể trở thành một nguồn đầu tư trong tương lai, nếu họ kiếm được nhiều tiền và tiết kiệm số tiền đó.
Tuy nhiên, để lực lượng lao động trẻ kiếm được tiền và tiết kiệm tốt, trước hết họ cần phải có đủ việc làm được trả lương cao. Đây là điều đang khó thực hiện ở Ấn Độ.
Một quả bom hẹn giờ
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ đã chạm mức rất cao là 6,1% trong giai đoạn từ năm 2017-18. Con số này cao gần gấp ba lần so với ước tính trước đó của giai đoạn 2011-12 (2,7%).
Dữ liệu việc làm hàng năm của chính phủ Ấn Độ cho thấy mức thất nghiệp đã được cải thiện, giảm xuống còn 4,1% trong năm 2021-22.
Nhưng các dữ liệu khác cho thấy số người thất nghiệp ở Ấn Độ vẫn rất cao. Theo CMIE, tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ trong tháng 3 năm nay là 7,8% và thậm chí còn cao hơn ở khu vực thành thị (8,5%).
Theo một phân tích chính thức, ước tính mỗi năm có gần 5 triệu người gia nhập lực lượng lao động ở Ấn Độ. Trong khi đó, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của chính phủ đối với các lĩnh vực được lựa chọn dự kiến chỉ tạo ra 6 triệu việc làm trong vòng 5 năm, và như thế không đủ để phục vụ cho thị trường lao động đang phát triển rất mạnh.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng đầu tư ở Ấn Độ đã giảm gần một nửa. Từ mức trung bình hàng năm là 10,5% trong giai đoạn 2000-2010, con số này sụt giảm xuống còn 5,7% trong giai đoạn 2011-2021.
Báo cáo đã chỉ ra nhiều yếu tố gây ra sự sụt giảm trên, trải dài từ những lo ngại liên quan tới nguồn năng lượng và mạng lưới đường bộ, đường sắt còn yếu kém ở Ấn Độ, cho đến các yêu cầu quan liêu áp đặt lên doanh nghiệp.
Nhìn theo nhiều khía cạnh, đây chính là một bản cáo trạng đối với các chính sách “Made in India” của Thủ tướng Narendra Modi, vốn được coi là lộ trình để biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất và nam châm hút đầu tư toàn cầu.
Sự phục hồi không mấy khả quan của thị trường việc làm sau khi đại dịch COVID-19 suy yếu, đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp ngày càng tăng trong tổng số lượng việc làm của Ấn Độ. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất ngày càng giảm.
Việc người lao động di chuyển từ các thành phố về các xóm làng ở Ấn Độ sau dịch COVID-19 là một sự đảo ngược của chiến lược chuyển dịch lao động thành công, đã có hiệu quả với Ấn Độ từ những năm 1990. Nó cũng làm lộ ra một vấn đề lớn hơn, khi gần 45% lực lượng lao động của đất nước làm việc trong một lĩnh vực có đóng góp chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị nền kinh tế. Việc ngày càng có nhiều người tham gia lao động trong lĩnh vực nông nghiệp được các chuyên gia đánh giá là sự lãng phí lợi thế mà quy mô dân số trẻ lớn đã mang lại cho Ấn Độ.
Cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác
Không phải ai cũng có cái nhìn bi quan về Ấn Độ. Radhicka Kapoor, giáo sư thỉnh giảng tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ có trụ sở tại New Delhi, cho biết khi các công ty tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và đầu tư của họ bên ngoài Trung Quốc, Ấn Độ có vị trí thuận lợi để tận dụng lợi thế.
Trung Quốc đang già hóa nhanh đến mức tỷ lệ dân số trên 60 tuổi dự kiến sẽ tăng từ 20% hiện nay lên 30% vào năm 2035.
Trong khi đó, Ấn Độ có dân số trong độ tuổi 15-64 cao hơn một chút so với Philippines, một quốc gia khác từ lâu cũng được coi là đối thủ tiềm năng sẽ giành lấy miếng bánh sản xuất của Trung Quốc.
Ông Kapoor nói với Al Jazeera rằng dân số trong độ tuổi lao động lớn khiến Ấn Độ trở nên hấp dẫn, không chỉ từ góc độ thị trường lao động mà còn vì nước này có thể đóng vai trò là thị trường lớn giúp tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ.
Một số dấu hiệu của sự hấp dẫn đó đã có thể được nhìn thấy.
Nhà sản xuất hợp đồng Đài Loan Foxconn được cho là sẽ xây dựng một nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất tai nghe không dây Airpods cho Apple. Năm ngoái, Foxconn đã ký một thỏa thuận với công ty Vedanta của Ấn Độ để đầu tư 20 tỷ USD nhằm thành lập một nhà máy sản xuất màn hình và chất bán dẫn tư nhân đầu tiên của Ấn Độ ở bang Gujarat.
Nhưng ngoài việc đa dạng hóa địa điểm đầu tư, nhiều công ty còn tìm kiếm nhân lực có trình độ cao. Việc vẫn thiếu lực lượng lao động lành nghề, với tay nghề cao, thực sự có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Ấn Độ.
Hiện Ấn Độ có đông lao động tay nghề cao trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực như công nghệ thông tin, ngành mà đất nước này dẫn đầu toàn cầu. Tuy nhiên Ấn Độ lại thiếu lao động được đào tạo để tham gia các ngành sản xuất cao cấp mà nhiều nhà đầu tư đang quan tâm.
Chỉ có một cơ hội nhỏ ở trước mắt
Và lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ không trẻ mãi. Với việc tỷ lệ sinh đang giảm, dân số trong độ tuổi lao động (20-59 tuổi) của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 59% tổng dân số vào năm 2041 - theo dự báo được đưa ra trong cuộc khảo sát kinh tế của nước này giai đoạn 2018-2019 - trước khi đi xuống.
Theo Vyas, các quốc gia như Bangladesh và thậm chí cả Việt Nam - mặc dù có dân số già hơn Ấn Độ - vẫn sẽ có được nhiều lợi ích hơn Ấn Độ khi thu hút tốt đầu tư và kiến tạo việc làm. “Những quốc gia này cung cấp một môi trường kinh doanh ổn định và nhanh nhẹn hơn rất nhiều trong việc ra quyết định,” Vyas nói. “Vấn đề lớn nhất của môi trường kinh doanh ở Ấn Độ là tính khó đoán. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp vay vốn ngân hàng làm ăn không tốt và khoản vay trở thành tài sản không sinh lời, doanh nghiệp đó sẽ bị bêu xấu và săn lùng rất nặng nề”.
Vyas cho biết điều này khiến nhiều công ty không muốn đầu tư dài hạn ở Ấn Độ.
Theo các nhà kinh tế, chính phủ Ấn Độ cần hành động nhanh chóng để thay đổi điều này và đảm bảo rằng có những khuyến khích nhất định để tạo ra đủ việc làm có chất lượng tốt. Để đạt được điều đó, Ấn Độ cần tăng cường các chương trình học nghề và mở rộng quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân để cải thiện kỹ năng của người lao động.
Cá nhân Vyas lo ngại lợi thế dân số trẻ mà Ấn Độ sở hữu có thể trở thành một cuộc khủng hoảng nếu nước này không tăng cường đầu tư và thu hút tất cả mọi người tham gia vào lực lượng lao động”.