Đại biểu Quốc hội: “Bộ Y tế quá yếu trong đấu tranh bảo vệ bệnh viện”

Trục lợi BHYT: “Bộ Y tế quá yếu trong đấu tranh bảo vệ bệnh viện”

Chuyên gia cho rằng, có thể nói Bộ Y tế chưa làm được vai trò là cầu nối giữa bảo hiểm và bệnh viện, bảo vệ cho các bệnh viện để phát triển trong cơ chế bảo hiểm y tế.
Trục lợi BHYT: “Bộ Y tế quá yếu trong đấu tranh bảo vệ bệnh viện” ảnh 1Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thời gian gần đây, câu chuyện về trục lợi bảo hiểm y tế được rất nhiều người quan tâm, bởi nó diễn ra trên diện rộng và tại nhiều nơi.

Cơ quan bảo hiểm thì cho rằng, đây là những hành vi dẫn tới lạm phát, có thể gây vỡ quỹ bảo hiểm y tế. Còn về phía các cơ sở y tế thì sao?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

[Khám bệnh nhiều lần trong tuần để rút ruột "kho thóc" bảo hiểm y tế]

Ai lợi dụng, trục lợi phải xử lý

- Trục lợi bảo hiểm y tế đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm hiện nay, bởi nhiều bằng chứng đưa ra cho thấy có một số đối tượng đã trục lợi nhờ vào việc khám chữa bệnh. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Về bảo hiểm y tế, theo tôi chúng ta phải nhìn trên hai chiều.

Trong vấn đề này, có thể nhận thấy Bộ Y tế quá yếu trong việc đấu tranh bảo vệ các bệnh viện. Có thể nói Bộ Y tế chưa làm được vai trò là cầu nối giữa bảo hiểm và bệnh viện, bảo vệ cho các bệnh viện để phát triển trong cơ chế bảo hiểm y tế.

Vì sao? Vì bảo hiểm y tế của chúng ta do xuất phát từ thực tế thu ít mà chi thì muốn chi nhiều, chi hết. Vấn đề ở đây là về cơ chế hoạt động.

Chúng ta thử đặt vào địa vị nếu anh đi buôn mà đặt vào tình cảnh như vậy thì anh chắc chắn sẽ lỗ. Chưa kể đến việc công nghệ thông tin chưa tốt nên có những trường hợp lạm chi, trục lợi. Vấn đề quản lý nguồn nhân lực ở đây vẫn còn chưa làm tốt, cho nên, chắc chắn những vụ lạm chi đó phải có sự thông đồng với giám định viên bảo hiểm y tế tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý về bảo hiểm y tế giữa thành phố, giữa các tỉnh thành cũng có sự khác nhau, chủ quan, tùy thuộc vào con người. Có những nơi như Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung thực hiện các kỹ thuật cao, bệnh nhân nặng là chủ yếu nhưng năm nào cũng kết dư bảo hiểm y tế. Đó là thành tích của bảo hiểm, trong khi có những nơi thì lại bội chi.

Theo tôi, ai rút ruột quỹ bảo hiểm y tế thì phải xử lý người đó, sao lại bắt người ngay phải trả giá! Nếu không muốn vỡ quỹ bảo hiểm, thì chúng ta cần phải tính toán lại cách điều hành quỹ.

Trục lợi BHYT: “Bộ Y tế quá yếu trong đấu tranh bảo vệ bệnh viện” ảnh 2Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Không quản được thì cấm?


- Vậy theo bà, trong việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế hiện nay vẫn còn có những bất cập nào?

Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan:
 Hầu như trong tất cả các báo cáo, báo chí khi mà đưa tin lúc nào cũng chỉ nhấn vào sự lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế, trong khi đó về phía cơ quan bảo hiểm để giữ cho quỹ của họ không bị vỡ thì bảo hiểm lại siết chi. Điều này giống như việc quản không được thì cấm.

Khi đó, thiệt thòi lớn nhất vẫn rơi vào chính là những bệnh nhân. Siết chi và xuất toán, đó là hai biện pháp mà bảo hiểm luôn luôn áp dụng với các bệnh viện, từ bệnh viện công tới các bệnh viện tư.

Quan điểm của tôi là nếu ai lạm dụng, nếu ai lợi dụng quỹ đó làm chuyện tiêu cực thì phải xử lý, việc nào ra việc đó.

Thực tế cho thấy các bệnh viện họ rất khổ. Chẳng hạn như việc đấu thầu thuốc trong một năm, đấu thầu xong rồi, mấy tháng sau bệnh nhân cũng mua thuốc, dùng xong rồi, tự nhiên cũng loại thuốc đó ở nơi khác họ đấu thầu được giá thấp hơn thì bảo hiểm sẽ thanh toán theo giá thấp mà bắt bệnh viện phải xuất toán, trả lại cái tiền dư.

Nếu như biến động của thị trường, ở nơi khác họ chào thầu với giá cao hơn thì không thấy bảo hiểm đề cập tới. Đây chính là minh chứng cho thấy cơ quan “nắm đằng chuôi” chưa được.

- Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp bệnh nhân đi khám bệnh hàng trăm lần để lấy thuốc của bảo hiểm y tế. Trước vấn đề thuốc sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế có dấu hiệu trục lợi, lạm dụng, gần đây có nhiều loại thuốc biệt dược – những thuốc đắt tiền dành cho những trường hợp bệnh nặng để hạn chế tình trạng trục lợi. Là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực dược, ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

[Nghề làm bệnh nhân: Mỗi ngày "uống" gần 40 viên thuốc các loại]

Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: Qua thực tế chúng ta thấy, có một số đối tượng lạm dụng liên quan tới câu chuyện thuốc của bảo hiểm y tế. Cụ thể, trong một năm tình hình sử dụng một số loại thuốc biệt dược đắt tiền này tăng vọt lên nhiều lần, lên gấp 3-4 lần thì chúng ta phải điều tra chỗ đó nguyên nhân vì sao lại như vậy, chứ không thể vì lý do trục lợi của một số đối tượng đó mà cấm tất cả, không quản được thì cấm.

Thông tư 11 của Bộ Y tế đã loại bỏ gần 100 biệt dược gốc. Tôi đồng ý rằng muốn tiết kiệm tiền của bảo hiểm y tế thì phải tiết kiệm đối tượng thuốc biệt dược. Nhưng tiết kiệm là chúng ta xem xét kỹ về hội chẩn để chỉ định đúng trường hợp, còn mạng người vẫn là quý nhất, ta không thể lý luận vì tiết kiệm mà ta đưa loại thuốc biệt dược ra khỏi danh mục thuốc đấu thầu.

Bởi khi đưa các thuốc biệt dược ra khỏi nhóm đó tức là nó không bao giờ trúng thầu, không trúng thầu tức là bệnh nhân bảo hiểm y tế không bao giờ được dùng loại thuốc tốt – hiệu quả điều trị cao này. Khi muốn dùng loại thuốc đó thì họ phải tự trả tiền túi. Chuyện này rất tàn nhẫn mà cũng không thể làm đột ngột như vậy được.

Gần đây, rất nhiều bệnh viện hiện kêu là các bác sỹ không tập trung vào được chuyên môn khám chữa bệnh, không được kê thuốc theo loại thuốc mà họ tin tưởng là tốt nhất cho bệnh nhân và như vậy nó tạo ra khoảng cách giữa bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân dịch vụ.

Vấn đề ở đây là quan điểm, nếu ta thống nhất ở đây là tất cả vì bệnh nhân và làm sao để bảo hiểm y tế tốt hơn thì tôi tin sẽ có cách để sắp xếp được.


Khoảng cách bệnh nhân bảo hiểm y tế và dịch vụ

- Bà có thể phân tích, trong việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế hiện nay còn có những khúc mắc gì?

Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: 
Bảo hiểm quyết định cho thuốc nào, bác sỹ và bệnh nhân nhận thuốc đó bởi Nghị định 54 của Chính phủ yêu cầu nhà thuốc bệnh viện, của các cơ sở y tế chỉ được bán thuốc trong danh mục trúng thầu. Điều này rất vô lý, bởi nếu như bệnh nhân và bác sỹ cần những loại thuốc khác thì phải đi ra bên ngoài mua. Lý do chung cũng chỉ vì người ta lo sợ vỡ quỹ bảo hiểm y tế.

Nếu lo vỡ quỹ thì ta phải quản lý bằng công nghệ thông tin, ta phải học tập những cái đúng, cái hay để quản lý, chứ không thể quản lý bằng cách siết đầu ra như vậy. Mỗi đồng kết dư bảo hiểm y tế chính là người dân phải trả giá. Cũng có rất nhiều người có bảo hiểm khi vào bệnh viện họ không dùng.

Mục tiêu của chúng ta là làm sao toàn dân tham gia bảo hiểm y tế để không có ai phải bán nhà bán cửa khi khám chữa bệnh, nhưng muốn như thế thì bảo hiểm phải giữ đúng chất lượng và bảo đảm được sự bình đẳng y như dịch vụ thì người ta mới tin tưởng. Với sức khỏe ai dám trả giá, nếu ai đó có ý nghĩ cho rằng bảo hiểm y tế như một dạng bố thí cho người nghèo không có tiền thì nó không đúng.

Trục lợi BHYT: “Bộ Y tế quá yếu trong đấu tranh bảo vệ bệnh viện” ảnh 3Không nên tồn tại khoảng cách quá lớn giữa bệnh nhân bảo hiểm y tế và bệnh nhân dịch vụ. (Ảnh: TTXVN)

- Trong câu chuyện trục lợi tiền bảo hiểm y tế nếu tiếp tục xảy ra và diễn ra trên diện rộng có thể dẫn tới vỡ quỹ bảo hiểm y tế. Theo bà để ngăn chặn tình trạng này chúng ta phải có những giải pháp như thế nào?

Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan: 
Đối với chuyện vỡ quỹ bảo hiểm y tế, theo tôi, chúng ta tính toán về mặt cơ chế ngay từ đầu, không nên với một khoản tiền đóng bảo hiểm y tế thấp như vậy, giá thành thấp nhất thế giới lại muốn bao hết. Tôi nghĩ việc đóng bảo hiểm y tế nên chăng mình phải chia ra làm nhiều mức bảo hiểm khác nhau, các gói khác nhau. 

Chẳng hạn như những người bệnh nặng mua giá phải khác nhau. Bởi khi đổ đồng một mức giá chung như vậy lại phát sinh ra tiêu cực...

Trong một chừng mực nào đó, thực ra quỹ bảo hiểm y tế vẫn do Nhà nước trả chủ yếu cho đối tượng người nghèo, mà phải qua nhiều điều nhiêu khê, qua tầng lớp trung gian như vậy. Tôi thiết nghĩ tại sao chúng ta không tăng cường tính tự chủ của bệnh viện, phân công cho mỗi bệnh viện năm nay phải lo cho bao nhiêu bệnh nhân nghèo, miễn phí cho người ta còn mọi chuyện trong bệnh viện chỉ một giá thôi cho công bằng.

Hiện nay, mọi người vẫn hay hỏi viện phí tăng ​thì chất lượng có tăng hay không? Nếu viện phí tăng mà vẫn còn tồn tại tình trạng kiểu này thì bác sỹ không tập trung chuyên môn được thì làm sao tăng được chất lượng?

Với nguyên tắc đấu thầu hiện nay, sau một mùa thầu bảo hiểm y tế sẽ tổng hợp giá trúng thầu của tất cả các nơi lại rồi đưa lên mạng, cho các bệnh viện tham khảo để lấy giá thấp nhất làm giá tham chiếu kế hoạch cho mùa thầu năm sau. Giá trúng thầu sang năm lại thấp hơn giá kế hoạch, rồi giá năm sau lại thấp hơn nữa. Cứ như thế đến một lúc nào đó giá thuốc sẽ bằng không, thuốc cho không. Và thực tế cho thấy làm gì có chuyện của rẻ là của tốt? Chỉ có đồ tốt với giá hợp lý.”

Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục